Ở tỉnh ta, nhìn chung người dân đã thực hiện đúng quy định quy mô gia đình 2 con, với mong muốn con được khỏe mạnh nên nhu cầu được tham gia SLSS để phát hiện, điều trị sớm các dị tật ở trẻ khá cao. Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số còn hạn hẹp, chỉ hỗ trợ một phần cho đối tượng nghèo, cận nghèo nên chưa phát huy tối đa hiệu quả của Đề án SLSS. Nhằm thực hiện tốt hơn việc tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật sơ sinh, năm 2018, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ sinh học Bionet Việt Nam triển khai thực hiện xã hội hóa dịch vụ SLSS ở các Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Đa khoa các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Ninh Sơn. Theo đó, SLSS là kỹ thuật thực hiện trong vòng 48 giờ sau khi trẻ chào đời; trẻ được lấy 2 giọt máu ở gót chân và đem đi xét nghiệm. SLSS có thể phát hiện các bệnh lý liên quan đến rối loạn di truyền, nội tiết ở trẻ vừa ra đời, đặc biệt là những rối loạn bẩm sinh và di truyền như: Suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận, thiếu men G6PD,…Những bệnh lý này đều ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và tâm thần của trẻ sau này nên việc phát hiện và điều trị chậm trễ có thể khiến trẻ tử vong trong những năm đầu đời. Nhưng nếu được phát hiện, phòng và điều trị sớm thì trẻ có thể có cuộc sống bình thường.
Trẻ được sàng lọc sơ sinh lấy máu gót chân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Để giúp người dân sớm tiếp cận với các thông tin cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của đề án, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về SLSS cho đội ngũ y tế cơ sở; kỹ năng tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia đề án cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số; tổ chức truyền thông, tư vấn nhóm, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ để tuyên truyền cho hội viên …Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, Chi cục DS- KHHGĐ còn trang bị máy đo độ bão hòa Oxy trong máu cho các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên. Công ty Bionet hỗ trợ 2 hệ thống Kiosk truyền thông giáo dục sức khỏe, SLSS cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau hơn 2 năm thực hiện xã hội hóa SLSS, người dân dần thay đổi nhận thức, quan tâm đến dịch vụ SLSS, sẵn sàng bỏ tiền để thực hiện lấy máu gót chân cho con. Chị Lê Thị Hồng, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) chia sẻ: Trước đây khi sinh bé đầu, tôi sợ con bị đau nên chần chừ không thực hiện SLSS. Giờ đây khi được các nhân viên y tế tư vấn, tôi hiểu hơn về lợi ích của việc SLSS nên khi vừa sinh bé thứ 2, tôi đã đăng ký thực hiện lấy máu gót chân cho bé tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chỉ với chi phí nhỏ nhưng có thể tầm soát được 3-5 bệnh cho con nên tôi rất an tâm”. Đến nay, tỷ lệ trẻ thực hiện lấy máu gót chân SLSS từ nguồn xã hội hóa chiếm 98,3%, tăng 27% so với năm 2018.
Bà Phạm Thị Cẩm Vân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều giải pháp quan trọng; trong đó yêu cầu cần phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện. Phấn đấu đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất. Nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thời gian tới tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao chất lượng dân số, nhất là chương trình xã hội hóa hoạt động SLSS; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng truyền thông, vận động SLSS đồng thời thường xuyên giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chương trình xã hội hóa hoạt động SLSS. Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng, các thai phụ nên tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Mỹ Dung