Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế

Bài 2: Nhiều cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, thu hút để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Y tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, khó khăn nhất là vấn đề thu hút đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, cử nhân kỹ thuật y tế có chuyên môn cao. Để giải quyết bài toán này, thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều chế độ, chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ y tế về làm việc.

Các chế độ đãi ngộ được tăng theo từng giai đoạn. Bác sĩ, dược sĩ, cử nhân sau khi được thu hút được bố trí công tác nơi có môi trường, điều kiện tốt để thể hiện năng lực, nâng cao tay nghề, chuyên môn. Cụ thể, trong giai đoạn 2007–2010, mỗi cán bộ y tế có một trong những học hàm, học vị: giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II đồng ý về công tác tại tỉnh sẽ được trợ cấp ban đầu 40 triệu đồng; có trình độ thạc sĩ, chuyên khoa I sẽ được trợ cấp ban đầu 30 triệu đồng đồng; bác sĩ, dược sĩ đại học, cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật viên cao cấp hệ chính quy được trợ cấp ban đầu 20 triệu đồng. Bác sĩ, cử nhân ngoài tỉnh còn được mua đất ở với giá ưu đãi hoặc được tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở để an tâm công tác.

Các y, bác sĩ sau khi được thu hút vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thể hiện được năng lực, tay nghề chuyên môn. Ảnh: V.M

Tuy nhiên, so với các địa phương khác, mức hỗ trợ này còn quá thấp. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, số bác sĩ, cử nhân thu hút được rất thấp. Để đáp ứng yêu cầu tình hình thực tế, giai đoạn 2, từ năm 2011-2015, tỉnh cũng đã tăng các mức hỗ trợ này lên gấp 2 lần; đến giai đoạn 2015-2020, tỉnh đề ra chỉ tiêu thu hút  4 tiến sĩ bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II; 20 thạc sĩ bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú; 98 bác sĩ đa khoa, chuyên khoa và 16 cử nhân kỹ thuật y học. Chính sách đãi ngộ cũng được tăng lên, cụ thể: đối với tiến sĩ bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II được hỗ trợ ban đầu 300 triệu đồng; thạc sĩ bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú được hỗ trợ 200 triệu đồng; bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy được hỗ trợ 120 triệu đồng; riêng tốt nghiệp loại khá 150 triệu đồng, tốt nghiệp loại giỏi 180 triệu đồng; cử nhân kỹ thuật y học hệ chính quy gồm các chuyên ngành: gây mê, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm được hỗ trợ 60 triệu đồng; đối tượng thu hút tốt nghiệp từ các Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược - Huế, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y - Dược Cần Thơ có mức hỗ trợ bằng 120% mức nêu trên. Riêng các đối tượng: tiến sĩ bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, thạc sĩ bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, cử nhân kỹ thuật y học hệ chính quy còn được mua đất ở với giá ưu đãi, tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở… Tuy nhiên, số cán bộ y tế thu hút chưa đạt so với kế hoạch. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh chỉ thu hút 3 thạc sỹ bác sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp I; 41 bác sỹ đa khoa và chuyên khoa.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận kỹ thuật đặt máy hỗ trợ tim cho bệnh nhân từ Bệnh viện Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Thu hút đã khó việc giữ chân cán bộ y tế có chuyên môn, tay nghề cao cũng là một vấn đề nan giải. Khoảng cách quá lớn về mức thu nhập, các chế độ đãi ngộ trong quá trình công tác giữa bệnh viện với nhiều bệnh viện ở các tỉnh, thành phố khác đã tác động không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ cán bộ y tế nói chung và các bác sĩ trẻ nói riêng. Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, toàn ngành y tế có khoảng 40 bác sĩ nghỉ việc, chuyển sang làm việc ở các cơ sở y tế khác trong và ngoài tỉnh, đa số vì lý do thu nhập thấp không bảo đảm được cuộc sống.

---------

MỜI XEM TIẾP KỲ SAU
Bài cuối: Đẩy mạnh giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực