Toàn tỉnh hiện có 21 hồ chứa nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu cho nông nghiệp với dung tích chứa theo thiết kế mỗi hồ từ 1 triệu đến 69 triệu m³, trong đó có các hồ lớn như: Sông Sắt (dung tích chứa 69,33 triệu m3), Sông Trâu (31,53 triệu m3), Sông Biêu (23 triệu m3) và Tân Giang (13,39 triệu m3). Các hồ chứa của tỉnh có đặc thù là không đủ nước vào mùa khô nhưng lại xả lũ rất lớn trong mùa mưa, điều đáng nói là ngay khi có hồ phải xả lũ thì vẫn có hồ không có nước để tích dù đang mùa mưa. Bên cạnh đó, thực tiễn sản xuất và vận hành cơ cấu cây trồng không theo thiết kế, đơn cử trong khi các hồ chứa nhỏ như: Ông Kinh, Phước Trung, Thành Sơn, Phước Nhơn.... không đáp ứng được nước cho diện tích tưới lớn thì một số hồ như: Sông Sắt, Trà Co, Tân Giang.. có nguồn nước dồi dào, thậm chí phải xả thừa thường xuyên. Vì vậy, để giảm thiểu mức độ thiệt hại, đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, không giải pháp nào hay hơn là xây dựng các công trình liên thông các hồ chứa nhằm sử dụng có hiệu quả lượng nước tích từ mùa lũ cho mùa khô.
Lắp đặt đường ống dẫn nước liên hồ từ dự án thủy lợi Tân Mỹ (Bác Ái) về hồ Thành Sơn. Ảnh: Thành Đạt
Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT, trong giai đoạn 2020-2025, để bổ trợ nguồn nước chống hạn bền vững, việc khẩn trương thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (hồ sông Cái dung tích 220 triệu m3 nước và hoàn thiện hệ thống kênh chính, kênh cấp I, II, III) sẽ đảm bảo liên thông điều phối được nguồn nước dồi dào của hồ về các vùng khô hạn thiếu nước hiện nay như các hồ Phước Trung (Bác Ái), Bà Râu, Sông Trâu (Thuận Bắc), Ông Kinh và các xã ven biển huyện Ninh Hải. Qua đó phục vụ tưới cho 8.500 ha đất sản xuất nông nghiệp khu vực phía Bắc của tỉnh và nước phục vụ các nhu cầu khác. Ở khu vực phía Nam, cần khẩn trương thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng hồ Sông Than (dung tích 85 triệu m3 nước và hoàn thiện hệ thống kênh chính, kênh cấp I, II, III) để liên thông hồ Sông Than (Ninh Sơn) về hồ Lanh Ra (Ninh Phước) bằng đường ống kết hợp tưới. Với công trình này sẽ đảm bảo liên thông điều phối được nguồn nước dồi dào của hồ Sông Than về tưới cho 4.500 ha đất sản xuất nông nghiệp đang khô hạn thiếu nước và nước cho các thành phần kinh tế khác thuộc vùng tưới các hồ Lanh Ra, Tà Ranh, Bàu Zôn và các xã thuộc huyện Thuận Nam, giảm thiểu những thiệt hại do BĐKH, hạn hán gây ra ngày càng nghiêm trọng.
Ngoài ra, phải khẩn trương xây dựng các dự án, công trình kết nối liên thông các hệ thống thủy lợi hiện có nhằm sử dụng được nhiều hơn, hiệu quả hơn nguồn nước nội tỉnh phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể là chuyển nước từ hồ Tân Giang về hồ Sông Biêu-hồ Suối Lớn; từ lưu vực đập Ô Căm về Suối Ngang-hồ Phước Trung, liên thông kênh tưới Lanh Ra với kênh tưới trạm bơm Phước Thiện. Trong thực tế, việc khai thác các công trình thủy lợi hiện có qua liên thông chuyển nước đã được các địa phương thực hiện có hiệu quả, chẳng hạn như: Khu tưới Tân Giang - Sông Biêu; điều tiết nước từ các hồ Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo cho hệ thống thủy lợi Nha Trinh-Lâm Cấm; hệ thống đập Ba Hồ với hệ thống kênh Trạm bơm Lợi Hải thuộc khu tưới hồ Sông Trâu… Do đó trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng các tuyến công trình liên thông chuyển nước giữa các hệ thống tưới. Cụ thể là liên thông chuyển nước từ kênh N2 hồ Trà co với hệ thống kênh đập dâng Trại giam Sông Cái; kết nối liên thông hệ thống tưới Tân Mỹ với các hệ thống tưới phía Bắc tỉnh theo phương án quy hoạch điều chỉnh hệ thống Thủy lợi Tân Mỹ; liên thông hệ thống tưới hồ Sông Than với hệ thống tưới hồ Lanh Ra và kênh chính nam Nha Trinh – Lâm Cấm.
“Với tổng mức đầu tư các công trình thủy lợi trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 5.200 tỷ đồng, tỉnh ta sẽ tăng dung tích trữ nước các hồ chứa từ 194,49 triệu m3 lên 510,58 triệu m3, nâng tổng diện tích chủ động tưới lên 51.360ha/83.791 ha đất trồng trọt, đạt 61,3%”- đồng chí Đặng Kim Cương cho biết. Cùng với giải pháp tăng khả năng tích, dự trữ nước trên các sông suối và hệ thống kênh, Sở NN&PTNT nghiên cứu đề xuất giảm bớt diện tích trồng lúa, áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, lựa chọn cây trồng có khả năng chịu hạn cao, tăng diện tích màu, cây công nghiệp, cây ăn trái. Theo đó sẽ chuyển đổi sang cây trồng cạn ở các vùng và các khu tưới khoảng 7.600 ha, đưa tổng diện tích đất đang trồng lúa từ 18.600 ha hiện tại xuống còn 11.000 ha, thực hiện cơ cấu lại cây trồng cho phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng khu vực trong tỉnh.
Bạch Thương