Mô tả cây
Bạch thược hay thược dược là một cây sống lâu năm, cao 50-80cm, rễ củ to, thân mộc thẳng đứng, không có lông. Lá mọc so le, xẻ sâu thành 3-7 thùy hình đứng dài 8-12cm, rộng 2-4 cm, mép nguyên, phía cuống hơi hồng. Hoa rất to mọc đơn độc, cánh hoa màu trắng. Mùa hoa ở Trung Quốc vào các tháng 5-7, mùa quả vào các tháng 6-7.
Công dụng và liều dùng
Tính theo vị đông y: Vị đắng, chua hơi hàn, vào 3 kinh can, tỳ và phế có tác dụng nhuận gan, làm hết đau, dưỡng huyết, liễm âm, lợi tiểu, dùng chữa đau bụng, tả lỵ, lưng ngực đau, kinh nguyệt không đều, mồ hôi trộm, tiểu tiện khó.
Thược dược được dùng làm thuốc giảm đau, thông kinh trong những bệnh đau bụng (do ruột co bóp quá mạnh), nhức đầu, chân tay nhức mỏi, còn dùng chữa phụ nữ bế kinh, xích mạch đới lâu năm không khỏi.
Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.
Đơn thuốc có thược dược
Thược dược cam thảo thang: Thược dược 8g, cam thảo 4g, nước 300ml, sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày, chữa 2 chân đầu gối đau nhức không co duỗi được, đau bụng (bài thuốc của Trương Trọng Cảnh).
Quế chi gia linh truật (bài thuốc của Trương Trọng Cảnh chữa đầu nhức mắt hoa). Quế chi 6g, thược dược 6g, đại táo 6g, sinh khương 6g, phục linh 6g, bạch truật 6g, cam thảo 4g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)