Dưới cái nắng chói chang đầu tháng 6, đến thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi trên những chân ruộng thiếu nước giờ đây là những vườn táo xanh ngát, trái trĩu cành, quả giòn rụm. Đang tỉa lại cành già chuẩn bị cho lứa táo mới, anh Võ Văn Nhơn, thôn Trường Thọ chia sẻ: Trước đây, 1,4 sào đất lúa gia đình anh thuộc vùng gò, chân ruộng không đều, gặp khó khăn về tưới tiêu, năng suất bấp bênh. Từ ngày địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tôi mạnh dạn trồng táo trên đất ruộng của gia đình. Đến nay, sau hơn 5 năm trồng và chăm sóc, cây táo cho năng suất cao, mang lại lợi nhuận khoảng 10-15 triệu đồng/sào. Còn trước đây, với mỗi sào lúa, sau khi trừ các chi phí như: thuê máy cày bừa, mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuê máy gặt… gia đình tôi chỉ lãi 2 triệu đồng sau hơn 3 tháng vất vả chăm sóc. Từ hiệu quả mang lại, thời gian tới, tôi dự định chuyển đổi tiếp 2,4 sào lúa sang trồng táo, tạo nguồn thu nhập ổn định hơn cho gia đình”.
Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) chăm sóc cây táo. Ảnh: Tiến Mạnh
Phước Hậu nổi tiếng là vùng đất chuyên canh cây lúa nước với nhiều mô hình canh tác hiệu quả nhưng không ít hộ dân vươn lên làm giàu nhờ chuyển đổi từ đất lúa sang trồng táo xanh. Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả canh tác, từ năm 2015 đến nay, nông dân Phước Hậu tích cực chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng táo. Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi, đến nay toàn xã mở rộng 139 ha táo xanh được trồng trên đất lúa. So với cây lúa, táo xanh dễ canh tác, chịu hạn, chịu thâm canh, thời gian thu hoạch kéo dài, thị trường tiêu thụ mạnh. Cây cho quả ngay từ năm đầu canh tác, những năm về sau lượng quả cho thu hái càng tăng. Đến vụ thu hoạch, nông dân có thể chủ động thu hoạch rải vụ để có giá trị kinh tế cao hơn. Với chi phí đầu từ khoảng 120 triệu đồng/ha táo, bao gồm trụ, dây thép, cây giống, phân chuồng,... năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha, với giá bán trung bình 5 ngàn đồng, nông dân lãi khoảng 180 triệu đồng/ha, cao gấp 4,7 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, cây táo tưới nước tiết kiệm khoảng 40% nước so với lúa. Để nâng cao giá trị sản phẩm, bà con áp dụng áp dụng mô hình lưới mùng bao táo nhằm chống ruồi vàng đục quả, giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu táo sạch, an toàn. Không chỉ mang lại năng suất cao, mà những cành, lá, trái táo chính là nguồn thức ăn dồi dào cho hơn 5.200 con dê, cừu trong thời gian nắng hạn kéo dài. Nguồn lợi từ cây táo đã góp phần tăng thu nhập nông dân xã Phước Hậu từ 27,4 triệu đồng từ cuối năm 2015 đến nay tăng lên 45 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 106 hộ, chiếm 2,59%, thấp hơn 1,1% so với với tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ninh Phước.
Nông dân xã Phước Hậu tỉa cành, chuẩn bị vụ táo mới.
Có thể thấy, việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng táo xanh cho thu nhập cao theo chủ trương của tỉnh rất phù hợp với tình hình thực tiễn, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp nông dân hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang trong mùa nắng hạn, giảm áp lực tưới tiêu. Để mô hình phát triển bền vững, đồng chí Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu cho biết: Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục động viên người dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như nho, táo.., khai thác tốt thế mạnh đất đai, đồng thời tìm nhà liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân.
Mỹ Dung