Canh tác các loại cây trồng ít sử dụng nước tưới cho thu nhập cao được xem là giải pháp hàng đầu trong chương trình chống hạn, nâng cao thu nhập cho người dân bảo đảm ổn định cuộc sống, tích cực góp phần nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Vạn Thanh Trúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hữu cho biết: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên về chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, Hội Nông dân địa phương vận động hội viên xem xét điều kiện sản xuất thực tế của từng gia đình để có kế hoạch chuyển đổi cây trồng. Việc chuyển đổi cây trồng phải có hiệu quả, nâng cao thu nhập bảo đảm đời sống cho bà con nông dân. Toàn xã Phước Hữu hiện có 4.445 hộ, với trên 19.500 người dân sinh sống tập trung trên địa bàn 7 thôn. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ nghề trồng lúa với diện tích gieo trồng hằng năm 4.110 ha; trong đó, cây lúa 3.250 ha và các loại cây trồng khác 850 ha. Nông dân chuyển đổi 27 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác và luân canh 140 ha các loại cây trồng cạn ít sử dụng nước tưới. Nông dân địa phương tận dụng các sản phẩm phụ của ngành trồng trọt cung cấp thức ăn cho đàn gia súc có sừng trên 16.200 con, chăn nuôi theo mô hình gia trại cho thu nhập cao.
Nông dân xã Phước Hữu tận dụng lá nho, lá táo chăn nuôi gia súc có sừng cho thu nhập cao.
Nông dân Phước Hữu chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết khô hạn và hình thành các vùng chuyên canh cây trồng đạt chất lượng, năng suất cao như dưa hấu 25 ha trên cánh đồng thôn La Chữ đạt năng suất 34 tấn/ha; đậu xanh 69 ha ở các thôn Hậu Sanh và La Chữ đạt năng suất 3,5- 4 tấn/ha; mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP 9 ha và trồng táo VietGAP 11 ha tập trung chủ yếu ở các thôn Nhuận Đức, Mông Đức, La Chữ cho thu nhập trung bình 50-70 triệu đồng/sào/năm, cao hơn 6-7 triệu đồng/sào so với sản xuất truyền thống. Nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng từ đất ruộng gò trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khác như táo nho, đậu xanh, dưa hấu, ớt, cỏ chăn nuôi gia súc với diện tích 75ha cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa thương phẩm.
Mô hình trồng táo, nho kết hợp nuôi dê cừu vỗ béo được nông dân tận dụng lá nho, lá táo, trái táo phế phẩm để chăn nuôi vỗ béo dê cừu cho lợi nhuận trung bình 12- 14 triệu đồng/hộ/4 tháng. Các nông hộ thiếu vốn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí phát triển chăn nuôi bò, dê cừu nuôi sinh sản vươn lên thoát nghèo bền vững. Các mô hình sản xuất mới phát huy hiệu quả đầu tư, tăng thu nhập cho nông dân được chính quyền khuyến khích nhân rộng trên địa bàn xã. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất đã tạo động lực nâng thu nhập bình quân đầu người của xã Phước Hữu đến nay đạt 42,1 triệu đồng. Số hộ nghèo toàn xã hiện còn 115 hộ, chiếm tỷ lệ 2,58%; thấp hơn 1,11% so với tỉ lệ hộ nghèo của huyện Ninh Phước
Đến các cánh đồng chuyển dịch cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao của xã Phước Hữu, chúng tôi ghi nhận bà con nông dân phấn khởi vào mùa thu hoạch nho, táo, ớt cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Ngọc Thanh ở thôn La Chữ cho biết tuy đồng ruộng ngừng xuống giống lúa vụ hè-thu 2020 do thiếu nước sản xuất. Gia đình anh đào giếng sử dụng máy dầu D7 bơm tưới cho 3 sào đất ruộng nay chuyển sang trồng ớt thu hoạch bán cho thương lái với giá trung bình 18- 20.000 đồng/kg. Trồng ớt nhẹ vốn đầu tư, ít sử dụng nước tưới, cho lợi nhuận cao gấp 3- 4 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Tại cánh đồng Đình Cũ thuộc thôn Nhuận Đức, chúng tôi gặp gia đình anh Nguyễn Văn Vàng đang thu hoạch táo bán cho thương lái đến mua tại vườn với giá 10.000 đồng/kg. Anh Vàng cho biết gia đình anh có 3 sào ruộng trước đây trồng lúa thường xuyên thiếu nước năng suất đạt rất thấp. Hưởng ứng chủ trương của cấp ủy xã Phước Hữu về chuyển dịch cây trồng, anh đầu tư vốn làm dàn trồng 1,5 sào táo có bao lưới chống ruồi vàng và 1,5 sào trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ hiệu quả cúa cây nho cây táo cho thu nhập trên 50 triệu đồng/sào/năm kết hợp chăn nuôi 15 con dê sinh sản bán dê giống cho bà con quanh vùng nuôi vỗ béo. Nhờ chuyển dịch cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao kết hợp chăn nuôi dê sinh sản, gia đình anh Vàng có thu nhập trung bình 200 triệu đồng/năm.
Đồng chí Phạm Văn Thể, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hữu cho biết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định địa phương phát triển ngành nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng, sản phẩm có khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa và tăng diện tích trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 4.102 ha; trong đó, cây lúa 3.052 ha, cây nho 20 ha, cây táo 50 ha và các loại cây trồng khác 980 ha. Chuyển đổi, luân canh cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao, ít sử dụng nước tưới; đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp. Khuyến khích phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu theo mô hình trang trại, gia trại, bán thâm canh và vỗ béo theo hướng chuyên thịt gắn với cải tạo chất lượng đàn gia súc. Phước Hữu phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 65 triệu đồng vào năm 2025; xây dựng hai thôn Mông Đức và Hữu Đức thành khu dân cư kiểu mẫu.
Sơn Ngọc