Chúng tôi gặp anh Đạo Ngọc Tiến (sinh năm 1984) đang cắt những bó cỏ xanh tươi chở vô chuồng trại cung cấp thức ăn buổi sớm cho đàn dê, cừu mập mạp. Khu gia trại rộng trên 1 ha của gia đình anh Tiến trồng táo, cỏ xanh mướt. Mô tơ công suất 5 ngựa bơm nước từ kênh Bắc dẫn vô tưới cho khu đất vượt qua mùa khô hạn. Đưa chúng tôi đi thăm vườn táo, anh Tiến cho biết gia đình vừa đầu tư trên 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống ống nhựa dài 500 m dẫn nước từ kênh Bắc vô gia trại, sử dụng mô tơ bơm tưới cho cây trồng. Các nông hộ Đạo Văn Kệ, Đạo Văn Liêm, Đạo Văn Lư, Hứa Văn Mại có đất canh tác ở gần gia trại được anh Tiến chia sẻ nguồn nước giúp các hộ ổn định sản xuất, bảo đảm đời sống gia đình trong những tháng khô hạn.
Anh Đạo Ngọc Tiến trồng cỏ bơm nước bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn dê cừu trong những tháng khô hạn.
Ít ai ngờ anh nông dân trẻ tất bật với công việc gia trại ở đồng đất ven khu dân cư Lương Tri đã từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thiết kế thời trang của Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn. Sau khi có tấm bằng cử nhân, anh trở về làng vay vốn ngân hàng 150 triệu đồng và huy động nguồn vốn của bà con tộc họ giúp chàng cử nhân trẻ sản xuất nông nghiệp theo mô hình gia trại từ năm 2012 đến nay. Bước đầu khởi nghiệp, anh Tiến xây dựng chuồng trại mua 20 con cừu giống khởi nghiệp với nghề chăn nuôi gia súc có sừng. Nhờ có kinh nghiệm từ thực tiễn phụ giúp ba mẹ nuôi dê, cừu kết hợp kiến thức từ các chương trình tập huấn khuyến nông giúp anh Tiến chăn nuôi hiệu quả. Anh chủ động trồng cỏ, trồng rau muống với diện tích 7 sào, bảo đảm nguồn thức ăn xanh quanh năm cho đàn dê, cừu. Anh tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm cho đàn dê, cừu theo hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở đồng thời chủ động chữa trị một số bệnh thông thường cho gia súc.
Sau 8 năm gắn bó, đàn dê, cừu được chăm sóc chu đáo, anh bán bớt cho bà con quanh vùng nuôi vỗ béo với giá dê đực giống 160 ngàn đồng/kg; cừu đực giống với giá 120 ngàn đồng/kg. Đàn dê, cừu nái giống của anh hiện còn 100 con, gồm 50 con dê và 50 con cừu nái sinh sản. Từ nguồn vốn chăn nuôi dê, cừu, anh Tiến tiếp tục đầu tư trồng 3,5 sào táo tận dùng lá cung cấp thức ăn cho đàn gia súc. Đồng thời sử dụng nguồn phân hữu cơ của đàn dê, cừu chăm bón cung cấp dinh dưỡng cho đất trồng táo canh tác theo hướng sinh học an toàn. Người bạn đời đồng hành cùng khởi nghiệp với anh nông dân trẻ Đạo Ngọc Tiến là chị Đạo Thị Kim Anh tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành vật lý của Trường Đại học Đà Lạt. Đôi vợ chồng trí thức trẻ nỗ lực vươn lên làm giàu từ mô hình gia trại trên đồng đất Lương Tri.
Anh Đạo Ngọc Tiến, cho biết: “Tôi được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 7 triệu đồng kết hợp nguồn vốn gia đình 10 triệu đồng đầu tư lắp đặt 90 bét phun tưới tiết kiệm nước cho vườn táo phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn. Qua ba năm trồng táo áp dụng quy trình hữu cơ khép kín, tôi cũng vừa đầu tư 40 triệu đồng phủ màn phòng trừ ruồi vàng hại trái. Vườn táo đang đơm bông kết tái chuẩn bị cho thu hoạch vào cuối tháng 6- 2020. Được chăm sóc chu đáo và canh tác trong điều kiện thời tiết thuận lợi giá bán ổn định 8-10 ngàn đồng/kg, vườn táo của tôi có khả năng cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Tôi nỗ lực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động bơm tưới phòng chống hạn hiệu quả, tạo sự phát triển gia trại theo hướng bền vững”.
Sơn Ngọc