Mô tả cây
Đài hái là một loại dây leo, mọc khỏe, thân nhẵn, có thể dài hơn 30cm. Lá hình tim, phiến chia 3 hay 5 thùy, rộng chừng 15-25cm, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới màu nhạt hơn, dai, cứng nhẵn, thùy thuôn dài đầu nhọn. Khi còn non lá có thể dài không chia thùy hay chỉ có 2 thùy. Tua cuốn to khỏe và quăn xoắn. Hoa đực mọc thành chùm với dạng ngù. Hoa cái đơn độc, ở kẽ lá. Quả hình cầu, to bằng đầu người, đường kính có thể đạt tới 20cm, trên có chừng 10-12 khía trông không rõ, cùi trắng. Hạt từ 6 đến 12, rất to, dài tới 8cm, rộng tới 5cm, hình trứng, dẹt, có lá mầm rất phát triển, một mặt phẳng một mặt khum.
Công dụng và liều dùng
Tại Việt Nam quả và hạt đài hái ít thấy được dùng làm thuốc. Đồng bào những nơi có cây chỉ lấy hạt để ép làm dầu để ăn thay mỡ lợn, hay để thắp đèn. Có khi nướng chín mà ăn.
Tại Inđônêxya (đảo Boócnêô), người ta dùng dầu đài hái để xoa bụng những phụ nữ mới ở cữ, đồng thời cho phụ nữ uống nước sắc gừng. Người ta còn trộn tro lá địa liền với dầu đài hái và dầu dừa để bôi vào vú phụ nữ bị sưng. Lá đài hái còn dùng sắc hay đốt lấy khói xông chữa bệnh loét mũi
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)