Xã Vĩnh Hải có tổng diện tích cây trồng lâu năm trên 252ha, bao gồm nho, táo, điều, bưởi da xanh; trong đó, chủ yếu là cây nho với trên 183ha. Có mặt từ sáng sớm tại thôn Thái An, chúng tôi ghi nhận không khí lao động khẩn trương của nông dân trong việc tìm nguồn nước để phục vụ sản xuất. Mới hơn 7h sáng, nhưng hàng trăm hộ dân đã có mặt tại con suối Bồ Đề chạy ngang cổng làng thôn Thái An để tiến hành bơm nước, khoan giếng, bắt ống dẫn nước về khu vực canh tác. Dọc theo con suối, hàng trăm máy bơm đang chạy hết công suất. Trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, anh Phạm Đê, cho biết: Những năm trước, bà con chỉ đào, khoan giếng ở khu vực gần nơi canh tác là có nước, nhưng năm nay mực nước ngầm cạn kiệt, nên phải đi xa để kiếm nguồn nước. Hiện nay, anh Đê cùng các hộ trong thôn phải đến con suối Bồ Đề để khoan giếng lấy nước. Do khoảng cách lấy nước quá xa, nên để lấy nước về đến nơi canh tác, các hộ phải dùng 3-4 máy bơm tăng áp và phải đào ao dự trữ chi phí khá cao. Mặc dù vậy, nhưng bà con không bỏ cuộc, quyết tâm giữ vườn nho bằng cách “hùn tiền” đầu tư máy bơm nước.
Gia đình lão nông Võ Văn Đời, thôn Thái An, xã Vĩnh Hải đang thuê máy khoan giếng trên diện tích đất canh tác của mình.
Đồng chí Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, cho biết: Tình hình thiếu nước đã diễn ra nhiều tháng nay và đến thời điểm này có thể nói là bắt đầu ở đỉnh điểm. Việc người dân đầu tư kinh phí để tìm nguồn nước cứu cây trồng là điều bình thường khi đến mùa hạn. Vừa qua, UBND xã đã đề xuất lên cấp trên có hướng hỗ trợ người dân. Trước mắt, xã cử cán bộ thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân trồng nho tạm thời không cắt cành nho đang thời kỳ sung sức để tránh tình trạng sau khi cắt cành không đủ nước tưới sẽ gây suy nhược cây nho; đồng thời, giảm thời lượng bơm nước tưới để tránh xâm nhập mặn do nguồn nước ngầm cạn kiệt.
Hy vọng với sự nỗ lực của nông dân địa phương trong việc ứng phó với hạn, số diện tích cây trồng tại địa phương sẽ được đảm bảo cho đến khi mùa mưa đến.
Thanh Thịnh