Dự báo, bão Amphan sẽ đổ bộ vào miền Đông Ấn Độ và Bangladesh chiều hoặc tối 20/5, với sức gió lên tới 185 km/h cùng những con sóng cao tới vài mét. Nhà chức trách Bangladesh lo ngại đây sẽ là cơn bão mạnh nhất kể từ khi bão Sidr tàn phá nước này hồi năm 2007, cướp đi sinh mạng của 3.500 người, chủ yếu do nước biển cuốn trôi.
Trước những nguy cơ do bão Amphan gây ra, giới chức Bangladesh cho biết lực lượng chức năng đã sơ tán vài nghìn người sống ở các vùng trũng, thấp. Dự kiến, khoảng 2,2 triệu người dân sẽ được đưa đến nơi an toàn, với mục tiêu không để xảy ra thiệt hại về người do bão. Để bảo đảm việc giãn cách xã hội trong phòng chống dịch COVID-19, số cơ sở được huy động làm nơi tránh, trú bão đã tăng gấp đôi, và lực lượng chức năng cũng dành nhiều phòng cách ly riêng biệt cho các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Người dân cũng được yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc.
Ngoài ra, phòng tránh bão, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Bangladesh đã đưa hàng nghìn người từ các đảo xa vào bờ, các tàu cá được yêu cầu quay về đất liền, trong khi các cảng biển và cảng cá bị đóng cửa.
Tuy nhiên, có một thực tế là các cơ sở tránh trú bão hiện nay tại Bangladesh chỉ có thể chứa được một số lượng người nhất định, và người dân có thể sẽ không chịu rời khỏi nhà để tới ở các khu sơ tán tập trung đông người.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, nhà chức trách bang Tây Bengal cho biết hơn 200.000 người đang được sơ tán khỏi các vùng duyên hải và khu vực rừng ngập mặn Sundarbans. Nhà chức trách đang cung cấp khẩu trang, nước rửa tay khô và sắp xếp để đảm bảo việc giãn cách đối với những người phải đi sơ tán. Bang Odisha cũng đã sơ tán khoảng 20.000 người và triển khai 600 đội phòng, chống thiên tai. Chính quyền đã huy động thêm các cơ sở trú ẩn tạm thời, có thể chứa được 1,1 triệu người trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo giãn cách xã hội. Ngoài ra, bang này sắp xếp và cung cấp xà phòng, bồn chứa nước để rửa tay và khẩu trang cho người dân, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về tác dụng của việc che miệng.
Khu vực duyên hải thấp của Bangladesh - nơi cư trú của 30 triệu người – và miền Đông Ấn Độ thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão. Thống kê cho thấy bão lũ đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người trong những thập kỷ gần đây. Năm 1999, một siêu bão tàn phá bang Odisha, khiến gần 10.000 người thiệt mạng.
Trước đó, năm 1991, thiên tai bão lũ cũng đã cướp đi sinh mạng của 139.000 người ở Bangladesh. Mặc dù tần suất và cường độ của các cơn bão tăng lên, một phần do tác động của biến đổi khí hậu, song các nỗ lực của Ấn Độ và Bangladesh trong việc phòng, chống bão như tăng cường các cơ sở trú ẩn và sơ tán nhanh chóng đã giúp giảm đáng kể thiệt hại về người.
Theo TTXVN/Báo Tin tức