Đài BBC (Anh) cho biết nhiều vấn đề quốc tế đặc thù đã bị đẩy sang bên lề từ khi COVID-19 bắt đầu bùng phát. Trong khi đó, một số chính phủ đã tận dụng sự tập trung vào dịch COVID-19 để theo đuổi tham vọng có từ lâu.
Dưới đây là những vấn đề quốc tế cần được quan tâm trong những tuần và tháng tới.
Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân
Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 2/2021. Đây là thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng từ Chiến tranh Lạnh vẫn còn tồn tại đến nay.
Có lo sợ rằng, thiếu vắng ràng buộc và minh bạch có thể dẫn đến cuộc đua vũ khí hạt nhân mới. Trên thực tế, vũ khí bí mật như tên lửa siêu thanh đang được phát triển càng tăng rủi ro về cuộc đua vũ trang mới.
Nga dường như sẵn sàng để làm mới thỏa thuận. Nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như quyết định từ bỏ Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới nếu không bổ sung Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc không mấy mặn mà đến việc tham gia hiệp ước này.
Như vậy, trừ khi Nhà Trắng thay đổi quan điểm hoặc chính quyền tổng thống mới có quyết định khác, nếu không Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới sẽ chỉ còn là lịch sử.
Căng thẳng với Iran
Việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) - đạt được năm 2015 đã gây ra nhiều ảnh hưởng. Hiện nay Liên hợp quốc áp đặt lệnh trừng phạt ngăn các nước bán vũ khí tiên tiến cho Iran.
Dịch COVID-19 chiếm lượng lớn thông tin trên truyền thông trong thời gian qua. Ảnh: Reuters
Nhưng dựa trên nghị quyết của Liên hợp quốc, vốn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, những lệnh trừng phạt đối với việc bán vũ khí cho Iran dự kiến hết hiệu lực trong ngày 18/10 năm nay. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo rằng nếu Liên hợp quốc tiếp tục kéo dài lệnh trừng phạt thì sẽ có hậu quả. Tuy nhiên, ít khả năng Nga đồng ý gia hạn lệnh trừng phạt về vũ khí với Iran.
Việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã tạo nhiều áp lực lên Iran. Sau đó, Iran cũng không tuân thủ nhiều điều khoản trong thỏa thuận này. Các chuyên gia đánh giá mối quan hệ giữa Mỹ và Iran sẽ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới, và mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ cũng nảy sinh bất đồng bởi Pháp và Đức chủ trương ủng hộ JCPOA.
Nội dung then chốt trong thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Brexit
Quá trình chuyển tiếp sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (gọi là Brexit) dự kiến kết thúc trong ngày 31/12. Không có dấu hiệu cho thấy chính phủ Thủ tướng Boris Johnson có dự định trì hoãn hoặc kéo dài giai đoạn chuyển tiếp này.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 tác động đến Brexit bởi kinh tế yếu đi và sẽ mất vài năm để phục hồi.
Việc Anh rời khỏi EU gây ảnh hưởng tới cả 2 phía. Có thể sẽ xuất hiện phương pháp tiếp cận mang tính đồng cảm trong quan hệ tương lai giữa hai bên. Nhưng với khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 thì những quyết định ngoại giao và thương mại sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới Anh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức