Vai trò “công xưởng thế giới” của Trung Quốc lung lay
Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị cắt đứt do dịch bệnh COVID-19, hàng loạt công ty đa quốc gia đã quyết định chuyển hoạt động sản xuất ra ngoài quốc gia châu Á này hoặc tìm kiếm các nguồn cung phụ tùng thay thế.
Là tâm dịch của Trung Quốc, thành phố Vũ Hán là nơi có nhiều nhà cung cấp linh kiện công nghệ cao. Những năm gần đây, Vũ Hán đã phát triển thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao về điện tử quang học, chất bán dẫn… và là cơ sở sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc. Vũ Hán đồng thời còn được coi là “thành phố ô tô” của Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô trong và ngoài nước, bao gồm GM, Ford, Honda, Nissan, Peugeot và Citroen… đều có dây chuyền sản xuất tại Vũ Hán. Đây cũng là nơi tập đoàn Dongfeng Motor - nhà sản xuất ô tô nhà nước lớn nhất của Trung Quốc đặt tổng hành dinh. Trong thời gian Vũ Hán bị phong tỏa, rất nhiều hãng chế tạo ô tô lớn đã cân nhắc việc đóng cửa nhà máy mà chưa xác định được ngày mở cửa trở lại. Trong đó, nhà máy sản xuất ô tô Honda ở Quảng Châu cần nhiều linh kiện có nguồn gốc từ các nhà sản xuất phụ tùng ô tô tại Vũ Hán. Ngoài Vũ Hán, Tô Châu (Giang Tô) trở thành thành phố đầu tiên bên ngoài tỉnh Hồ Bắc tuyên bố trì hoãn thời gian trở lại làm việc của hàng triệu công nhân nhập cư. Các nhà sản xuất lớn như Foxconn, Johnson & Johnson và Samsung Electronics đều có nhà máy ở Tô Châu, riêng Apple có khoảng 20 nhà cung cấp ở nơi này.
Theo hãng tin Reuters hồi đầu tháng 5/2020, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh sáng kiến nhằm rút những chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu khỏi Trung Quốc. Ông Trump đã từ lâu cam kết đưa hoạt động sản xuất ở nước ngoài về Mỹ. Giới chức cấp cao Mỹ cho biết hiện thiệt hại kinh tế và số người tử vong cao do dịch COVID-19 tại Mỹ đang thúc đẩy chính phủ nước này chuyển sự phụ thuộc về sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, thậm chí thay vào đó là các nước khác “thân thiện hơn”. Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan khác của Mỹ đang tìm các biện pháp để thúc đẩy các công ty loại bỏ cả nguồn cung và sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong số những biện pháp này có những ưu đãi về thuế và các khoản trợ cấp đang được cân nhắc.
Trong khi đó, báo Nikkei Asia Review (Nhật Bản) dẫn kết quả khảo sát của Câu lạc bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ở Thượng Hải cho thấy: COVID-19 đã ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng của 54% doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 23% doanh nghiệp cho biết họ có các kế hoạch sản xuất hoặc mua sắm thay thế trong trường hợp nhà máy ở Trung Quốc bị đóng cửa lâu dài. Meiko Electronics là doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất các bảng mạch ô tô, hiện có cơ sở sản xuất lớn nhất ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Công ty này từng cân nhắc sản xuất linh kiện tại các cơ sở đã có các giấy chứng nhận cần thiết như Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản hoặc Việt Nam. Đối với các sản phẩm chỉ có thể sản xuất tại nhà máy ở Vũ Hán, Meiko Electronics đã đề nghị khách hàng tìm các nhà cung ứng khác.
Tờ Nikkei Asia Review nhận định: Dù các nước thứ ba này chỉ là điểm đến tạm thời để các công ty đa quốc gia nối lại hoạt động sản xuất, nhưng họ cũng có thể xem xét liệu những điểm đến mới có cạnh tranh hơn về mặt chi phí hay không, bởi chi phí nhân công tại Trung Quốc đang liên tục tăng. Giới quan sát cho rằng, nhiều công ty đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc khi giá nhân công và chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng lên. Do đó, đây có thể là bước ngoặt cho bức tranh công nghiệp châu Á nếu các công ty quyết định không quay lại Trung Quốc.
Tính cấp thiết của đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa được không chế trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm lý cho việc sản xuất kinh doanh đình đốn trong thời gian dài. Có thể nói dịch bệnh lần này đã mang tới bài học cho các doanh nghiệp quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, nhất là doanh nghiệp lớn và vừa. Họ sẽ phải thận trọng tiếp tục đánh giá về rủi ro của sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và thúc đẩy việc xây dựng và phân tán chuỗi cung ứng ra bên ngoài quốc gia châu Á này.
Theo đánh giá của Công ty thông tin thương mại Dun & Bradstreet (Mỹ), trong số 1.000 doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, 163 doanh nghiệp có nhà cung cấp cấp một có quan hệ kinh doanh trực tiếp tại Trung Quốc và 938 công ty có nhà cung cấp cấp hai của Trung Quốc là nguồn cung cấp một. Nói cách khác, gần như tất cả trong số 1.000 doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đều trực tiếp hoặc gián tiếp chịu rủi ro “nhân tố Trung Quốc” trong chuỗi cung ứng.
Các cuộc khảo sát do các Phòng Thương mại tại Trung Quốc thực hiện cũng cho kết quả u ám không kém. Kết quả khảo sát đối với 100 doanh nghiệp do Phòng Thương mại Australia tại Thượng Hải thực hiện từ ngày 10-13/2 cho thấy, có 92% công ty cho rằng dịch bệnh lần này sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu của họ trong quý I năm nay, hơn một nửa trong số đó cho rằng dịch bệnh có thể sẽ khiến cho doanh thu của họ trong quý I giảm hơn 20%. Kết quả khảo sát được thực hiện tại Trung Quốc do Phòng Thương mại châu Âu và Đức công bố ngày 27-2 cho thấy tác động của dịch COVID-19 là “toàn diện và nghiêm trọng”. Gần một nửa số người được hỏi cho biết họ dự định hạ thấp mục tiêu kinh doanh hàng năm, trong đó 56% số doanh nghiệp được hỏi cho biết COVID-19 dẫn đến việc nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ suy giảm. 1/4 số công ty EU dự kiến doanh thu năm nay sẽ giảm hơn 20%.
Chưa hết, Trung Quốc còn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu. Hầu như một số nguyên liệu dược phẩm ở Mỹ đều đến từ Trung Quốc, bao gồm các loại kháng sinh như azithromycin, penicillin và cephalosporin. Mặc dù Ấn Độ là một trong những nhà xuất khẩu thuốc lớn nhất thế giới nhưng 70% nguyên liệu thuốc của họ phụ thuộc vào Trung Quốc, trong khi với nhiều loại thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt quan trọng, mức độ phụ thuộc gần như 100%. Và hệ quả là sự phát triển của dịch bệnh cũng như sự quá phụ thuộc vào Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh sinh hóa và chuỗi cung ứng thiết bị y tế và dược phẩm.
Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa trên, Chủ tịch Phòng Thương mại EU Joeg Wuttke nhận định rằng các biện pháp chống dịch tại Trung Quốc dẫn đến việc “gần như không thể vận chuyển hàng hóa hoặc nhân viên”. Dịch bệnh lần này đã khiến nhiều doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết phải phát triển đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh “bỏ tất cả trứng vào một cái giỏ”. Mặc dù thị trường Trung Quốc “luôn rất hấp dẫn... mọi người giờ đã nhận thức được sự cần thiết của kế hoạch dự phòng”.
Trên thực tế, các doanh nghiệp trên toàn cầu đã nhìn thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, chi phí lao động ở nước này trở nên đắt đỏ hơn và sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên. Đương nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài cũng phải bắt đầu xem xét điều chỉnh sách lược sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc. Theo đánh giá của giới chuyên môn, COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp phải nhận thức lại ý nghĩa của việc “đa dạng hóa” chuỗi cung ứng và thời đại mà Trung Quốc được coi là sự lựa chọn duy nhất có thể đã qua. Việc cải tổ lại chuỗi cung ứng dường như là không thể tránh khỏi. Hướng cải tổ sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng, năng lực công nghệ của quốc gia thay thế. Chính phủ các nước có thể lựa chọn việc yêu cầu một số ngành nghề quan trọng đối với an ninh quốc gia chuyển dây chuyền sản xuất về trong nước hoặc những địa điểm gần hơn.
Theo TTXVN