Phương thức lãnh đạo của Đảng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thế nào là lãnh đạo đúng nghĩa?
Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là nét độc đáo, sáng tạo của Người. Từ rất sớm, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” tháng 10-1947, Người không chỉ 13 lần đề cập đến thuật ngữ “cách lãnh đạo” và mà tập trung “bút lực” cho 1 mục riêng “V. CÁCH LÃNH ĐẠO” trong điều kiện Đảng ta là cầm quyền sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong mục này của tác phẩm, Người đặt vấn đề và giải thích rất rõ ràng: “Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào? Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh. Lãnh đạo đúng nghĩa là: “1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. 3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được” (1).
Theo Người, muốn lãnh đạo đúng nhất thiết không được mắc quan liêu, xa rời quần chúng; phải sâu sát với quần chúng, phải học hỏi quần chúng, dựa vào quần chúng để kiểm thảo các quyết sách lãnh đạo của mình đúng hay sai, hiệu quả hay không hiệu quả; bởi theo Người: “Chúng ta phải biết rằng: lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” (2). Một trong những khâu quyết định để “lãnh đạo đúng nghĩa” theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải “khéo kiểm soát”, phải tăng cường kiểm tra: “Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi” (3).
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh: Tư liệu / TTXVN.
Phương thức lãnh đạo phải như thế nào?
Về vấn đề này, Người chỉ ra hai cách cơ bản đó là: “Lãnh đạo thế nào? Bất kỳ công việc gì, cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: Một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng” (4). Tức là phải kết hợp chặt chẽ giữa chính sách chung với sự chỉ đạo riêng theo quan điểm của Người: “Bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng. Song, nếu người lãnh đạo chỉ làm chung, làm khắp cả một lúc, mà không trực tiếp nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo những nơi khác, thì không thể biết chính sách của mình đúng hay sai. Cũng không thể làm cho nội dung của chính sách đó đầy đủ, thiết thực” (5). Phải liên hợp lãnh đạo với quần chúng, bởi theo Người: “Bất kỳ việc gì (thí dụ việc chỉnh đốn Đảng), người lãnh đạo phải có một số người hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo. Nhóm trung kiên này phải mật thiết liên hợp với quần chúng, công việc mới thành. Nếu chỉ có sự hăng hái của nhóm trung kiên, mà không liên hợp với sự hăng hái của quần chúng, nhóm trung kiên sẽ phải chạy suốt ngày mà không kết quả mấy. Nếu chỉ có sự hăng hái của quần chúng mà không có sự hăng hái của nhóm trung kiên để tổ chức và dìu dắt, thì sự hăng hái của quần chúng sẽ không bền và không thể tiến tới” (6).
Vận dụng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ta qua các thời kỳ
Phương thức lãnh đạo của Đảng là các hình thức, phương pháp, cách thức, quy chế, quy trình, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc... mà Đảng sử dụng để tác động vào Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, các nghị quyết của Đảng. Còn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là toàn bộ hoạt động của Đảng và những tổ chức có liên quan nhằm thay đổi từng phần hoặc toàn bộ một điểm nào đó của phương thức lãnh đạo hiện có theo hướng tích cực, tiến bộ, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đem lại kết quả cao hơn, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
Luôn trung thành, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về cách lãnh đạo trong thời kỳ mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã chỉ ra những điểm chủ yếu của hoạt động lãnh đạo của Đảng: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của Đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị” (7). Đây là bước phát triển lớn, nhận thức ngày càng rõ hơn của Đảng về sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Sự phát triển ấy, lại được Đảng bổ sung một điểm rất quan trọng thể hiện trong Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII): Đảng “lãnh đạo thông qua tổ chức đảng chứ không chỉ thông qua cá nhân đảng viên” (8).
Thực tiễn đổi mới luôn vận động, phát triển đòi hỏi sự phát triển không ngừng nhận thức của Đảng về phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Đảng đã làm sáng tỏ hơn, bổ sung nhiều nội dung mới và khái quát những nội hàm chủ yếu trong phương thức lãnh đạo của Đảng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của Đảng viên” (9). Nhất quán với tinh thần đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nâng cao hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước… Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo trong hệ thống tổ chức của Đảng; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm” (10).
Những yêu cầu mới
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là trong điều kiện đảng cầm quyền là một việc làm hết sức quan trọng và cấp thiết. Trong thời điểm hiện nay lại càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Để thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phải thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền, nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Theo đó cần tiếp tục thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, một mặt, tiếp tục khẳng định tính khoa học, cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền. Mặt khác, phải quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng này của Người vào điều kiện mới, nhất là trong điều kiện nước ta đang đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tích cực hội nhập quốc tế.
Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa một số nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước về vấn đề Đảng cầm quyền và lãnh đạo xã hội. Trước hết là thể chế hóa nội dung trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”; nghiên cứu, xây dựng luật về tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó quy định cụ thể về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung và với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảng lãnh đạo xã hội bằng đường lối, chính sách. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Sự đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là điều kiện tiên quyết để giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước gắn với tăng cường mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia đóng góp xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thứ tư, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, Đảng phải gắn bó máu thịt với Nhân dân, mọi đường lối, chính sách phải vì Nhân dân theo đúng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải dùng cách "từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng"” (11).
Tóm lại, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là công việc hệ trọng, là nhiệm vụ tất yếu khách quan, đòi hỏi các cấp phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao; phải kiên trì vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về cách lãnh đạo; đồng thời, cần thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, sát với đặc điểm, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng ngành và từng địa phương, từng cơ quan và đơn vị.
Trung tá, TS HÀ SƠN THÁI (Khoa Chủ nghĩa xã hội Khoa học, Học viện Chính trị)
Theo qdnd.vn
-------------
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.325; tr.335; tr.327; tr.328; tr.328; tr.328; tr.331
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.21
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1994, tr.63
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.88
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.214-216