Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020): "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực trong công việc của mỗi cán bộ, đảng viên. Bác khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”,“muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, nên trong công tác cán bộ “phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ”; “phải trọng nhân tài”.

"Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém"

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt một cách cụ thể và thiết thực: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vị trí rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đào tạo huấn luyện luôn cần đi đôi với việc sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ. Muốn vậy “phải biết rõ cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ cho đúng”; “phải khéo dùng cán bộ”; “phải giúp cán bộ cho đúng”; “phải giữ gìn cán bộ”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 1962.

Theo Bác khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ là khâu quyết định. Bác nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" (1), bởi cán bộ chính là “những người đem đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước giải thích cho nhân dân hiểu rõ và thi hành; đồng thời nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân báo cáo lại với Ðảng, Nhà nước hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Do đó, "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém" (2).

Về tầm quan trọng của việc sử dụng, bố trí cán bộ, Bác chỉ rõ: "Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng"(3) và "Phải khéo dùng cán bộ" (4). "Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại" (5). Bác ra tác dụng của việc bố trí sử dụng đúng người, đúng việc "Nếu biết tùy tài mà dùng người" thì sẽ thành công.

Bác nhắc nhở lãnh đạo phải biết đánh giá và sử dụng đúng cán bộ để không lãng phí nhân tài: "Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ" (6). "Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được" (7). Bác nhấn mạnh: "Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Ðảng. Như thế là có tội với Ðảng, có tội với đồng bào" (8).

Quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ của Bác đầy tính nhân văn. Bác vừa tin yêu, vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng đối với cán bộ. Bác nhấn mạnh cần phải tạo ra môi trường "khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến" (9), "có gan phụ trách, có gan làm việc" (10); "Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác" (11). Ðảng phải thương yêu cán bộ nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, phó mặc, mà "thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm" (12), là "hễ thấy khuyết điểm là giúp họ sửa chữa ngay để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ"(13)...

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, điều rất quan trọng là phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không còn đủ phẩm chất. Ngay từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã nêu rõ quyết tâm đấu tranh chống những căn bệnh dễ mắc trong bộ máy Nhà nước. Bác kịch liệt phê phán những khuyết điểm của các cán bộ: làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hóa. Tháng 11-1946, trả lời trước Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch, Bác khẳng định: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”(14). Theo Bác: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân (15).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, với đội ngũ cán bộ vững vàng, kiên định, dày dạn bản lĩnh, được tôi luyện qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, quân và dân ta đã lập nên những kỳ tích trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, uy tín và năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các giai đoạn sau này, công tác cán bộ luôn được Đảng ta coi trọng. Qua mỗi kỳ đại hội, quan điểm, tư tưởng đổi mới công tác tổ chức cán bộ càng được thể hiện rõ hơn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn. Nhiệm kỳ nào, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề hoặc đề cập đến những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức cán bộ: Hội nghị Trung ương 3, khóa VII có nghị quyết về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; các hội nghị Trung ương trong nhiệm kỳ Đại hội VIII ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về công tác tổ chức cán bộ; Hội nghị Trung ương 6, khóa IX ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Trung ương 3, khóa VII và các Hội nghị Trung ương 3, Hội nghị Trung ương 7, khóa VIII về công tác tổ chức cán bộ…

Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết trên, trong thời gian qua, Đảng ta đã luôn coi trọng, chú ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về con người và tổ chức, tích cực đổi mới phương thức hoạt động... Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao, góp phần to lớn, quan trọng vào việc lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt công cuộc đổi mới và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận về kinh tế-xã hội và hội nhập, được quốc tế đánh giá cao. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Trong thời gian qua, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng".

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Trung ương tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về công tác tổ chức cán bộ; nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TW "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"; Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”...

Tuy vậy, công tác cán bộ hiện nay vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm như: chậm đổi mới về cơ chế, quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức đối với cán bộ; trong xử lý chưa kiên quyết và thiếu quy chế để sắp xếp cán bộ, thay thế những cán bộ yếu kém; chưa gắn giữa đào tạo cán bộ với việc tuyển chọn, quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ dẫn đến tình trạng cán bộ vừa thừa lại vừa thiếu… Còn có một bộ phận cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, lãng phí, sách nhiễu nhân dân; một số cán bộ thiếu tu dưỡng rèn luyện, có biểu hiện dao động, giảm sút lòng tin vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến ngày càng phức tạp…

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Đảng ta đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Để người không xứng đáng, sa sút về phẩm chất, đạo đức lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn. Quan điểm này một lần nữa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị cán bộ toàn quốc vừa qua và trong bài viết về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Đúng như quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, gần như đi đến đâu, ở chỗ nào cũng thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm theo dõi, băn khoăn lo lắng về những vấn đề nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Còn phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt coi đó không chỉ đơn thuần là công việc có ý nghĩa quan trọng đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng, mà là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước...

----------------

(1): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.269
(2): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr.240
(3), (4), (5): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr.274
(6): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr.280
(7): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr.72
(8), (11): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Sđd, tr.281
(9), (10): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Sđd, tr.280
(12), (13): Hồ Chí Minh-Toàn tập, Sđd, tr.283
(14): Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, NXB CTQG, Hà Nội, 1994, tr.98.
(15): Hồ Chí Minh-Toàn tập Sđd, tr.641
Theo TTXVN