Về chủng loại xuất khẩu, hai mặt hàng thủy sản chính là cá tra và tôm đều có sự giảm sút khá mạnh với mức hai con số. Cụ thể, xuất khẩu cá tra đạt 420 triệu USD, giảm gần 32%; tôm đạt 748 triệu USD, giảm gần 12%…
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh minh họa: TTXVN
Về thị trường xuất khẩu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm gần 58% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Giá trị xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ trong quý I vẫn có sự tăng trưởng nhẹ, nhưng hai thị trường là EU và Trung Quốc lại có sự giảm rất mạnh, lần lượt với mức trên 28% và 27,5%.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, trên thị trường thế giới, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát trong 2 tháng đầu năm 2020 nhưng nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ tiếp tục tăng trong tháng 2. Nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ tăng có thể là do một số đơn hàng từ dịp cuối năm bị chậm giao và nhu cầu bổ sung vào kho dự trữ sau khi doanh số bán lẻ tôm tại Mỹ tăng.
Tại thị trường các nước thuộc khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen, giá các sản phẩm thuỷ sản sụt giảm từ 20-70% chủ yếu do việc suy giảm do giảm cầu từ khu vực khách sạn, nhà hàng, du lịch. Báo cáo đánh giá của Uỷ ban Thuỷ sản Địa Trung Hải (GFCM) về tác động của dịch bệnh COVID-19 lên ngành thuỷ sản tại thị trường các nước này cho thấy giá các sản phẩm thuỷ sản có dấu hiệu phục hồi, ổn định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm chân trắng, cá tra và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Ngành sẽ cùng các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản và tiêu thụ cá tra tại tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Hội nghị chỉ đạo phát triển sản xuất ngành tôm và ký quy chế phối hợp trong quản lý giống năm 2020; Hội nghị phát triển ngành hàng cá tra năm 2020; Hội nghị tổng kết vụ cá Bắc năm 2019-2020, triển khai vụ cá Nam năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 2,2 triệu tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, sản lượng thủy sản khai thác đạt 1,18 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ; trong đó, khai thác biển đạt 1,13 triệu tấn, tăng 0,8%. Sản lượng nuôi trồng đạt 1,02 triệu tấn, tương đương cùng kỳ; trong đó, sản lượng cá các loại ước đạt 728,4 nghìn tấn, giảm 1,8% (cá tra đạt 341,9 nghìn tấn, giảm 9,2%); tôm các loại đạt 171,8 nghìn tấn, tăng 3,1%.
Tại thị trường trong nước, thời điểm đầu tháng 4, giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu giảm 10.000-20.000 đồng/kg tùy cỡ, nhưng đã phục hồi trở lại vào cuối tháng do khan hiếm nguồn cung.
Hiện giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 con/kg ở mức 100.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg là 95.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg là 90.000 đồng/kg. Giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg ở mức 180.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với tháng trước, cỡ 30 con/kg 140.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg giảm 15.000 đồng/kg đạt 110.000 đồng/kg.
Kể từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường cá tra nguyên liệu trong nước tại Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giao dịch trầm lắng hơn do sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu từ hầu hết các thị trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra lớn nhất của Việt Nam, đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Giá bán buôn cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm 500 đồng/kg so với tháng trước, ở mức khoảng 18.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con).
Trước tình hình tiêu thụ sụt giảm nên nhu cầu thu mua cá nguyên liệu trên thị trường duy trì ở mức thấp. Các công ty lớn hầu như không thu mua nguyên liệu ngoài mà chủ yếu trong hệ thống liên kết.
Theo TTXVN/Báo Tin tức