Được người tiêu dùng đón nhận
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng hàng Việt chất lượng, giá phải chăng của người dân trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và miền núi. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi tràn lan đã làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là cơ hội tốt để người dân được mua sắm hàng hóa thiết yếu với chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý.
Tại những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” và hội chợ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tất cả các mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý. Chị Nguyễn Thị Loan ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná (Thuận Nam) cho biết: Khi đi chợ thì tôi cũng ưu tiên chọn hàng Việt Nam, bởi tôi thấy chất lượng khá tốt và mẫu mã ngày càng đẹp, giá cả cũng phù hợp nên nhà tôi thấy cũng yên tâm.
Nhiều mặt hàng Việt Nam được người tiêu dùng chọn mua tại Siêu thị Co.opMart Thanh Hà. Ảnh: V.Nỷ
Trong năm 2019, toàn tỉnh tổ chức 5 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, trong đó 4 phiên chợ thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Thuận Nam và 1 phiên chợ thuộc chương trình xúc tiến thương mại địa phương tại huyện Ninh Phước, với 118 gian hàng của 58 lượt DN tham gia, thu hút 17.200 lượt khách tham quan, mua sắm. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân cũng như bình ổn giá vào dịp tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo, phối hợp với các huyện và một số công ty (Siêu thị Co.opmart Thanh Hà, Công ty CP Lương thực Nam Trung Bộ, Công ty TNHH TM&DV Trúc Nguyên, Công ty TNHH Dược phẩm – Thương mại Thy Thy…) tổ chức “Đưa hàng Việt về nông thôn. Đến nay, các DN đã tổ chức 9 điểm bán hàng cố định và 63 chuyến bán hàng lưu động. Chị Đỗ Thị Hạnh ở phường Tấn Tài, TP. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, tôi thường xuyên đi siêu thị Coopmart để mua hàng, ở đây chủ yếu bán hàng Việt. Nhìn chung hàng hóa khá phong phú đa dạng, giá cả tương đối phù hợp với túi tiền. Còn chất lượng thì cũng đảm bảo nên tôi hoàn toàn tin tưởng.
Tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh
Nếu như những năm trước đây, phải khuyến khích DN tham gia các chương trình, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thì đến nay, hầu hết các DN đã chủ động tham gia. Thông qua các chương trình này, các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ có điều kiện nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, khả năng tiêu dùng của người dân nhất là khu vực nông thôn để có hướng điều chỉnh quy mô hoạt động, tổ chức kênh phân phối phù hợp, củng cố sản phẩm, gia tăng thị phần của mình. Đồng thời, có cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của mình tới tận tay người tiêu dùng.
Lãnh đạo Công ty TNHH TM&DV Trúc Nguyên cho biết: Đưa hàng Việt phủ sóng khắp nơi trên địa bàn tỉnh luôn là phương châm của công ty cũng như thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước trong CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hằng năm, công ty đều tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ hàng Việt. Chúng tôi cố gắng làm sao phục vụ khách hàng chu đáo, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, đa dạng sản phẩm cho mọi nhu cầu của người tiêu dùng…Không chỉ tuyên truyền đến người dân trên địa bàn tỉnh về CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Công Thương còn tăng cường tổ chức các hội nghị, hội chợ kết nối để hỗ trợ các cơ sở, DN trong hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Trong đó có 5 hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm; 4 hội chợ với 67 lượt DN, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh tham gia; 8 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết trong năm 2019. Thông qua những biên bản này, các cơ sở, DN của tỉnh đã có sự kết nối với các kênh phân phối hiện đại của TP. Hồ Chí Minh qua website ketnoicungcau.vn. Từ đó, tăng cường sự liên kết hiệu quả giữa tỉnh với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các DN giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương khác để đưa về tiêu thụ tại thị trường tỉnh nhà.
Đến nay, một số sản phẩm của tỉnh đã có mặt trong hệ thống Co.opmart; Vinmart, Big C; Lotte,.. chợ đầu mối tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước và một số cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Đây là kênh phân phối rất uy tín hiện nay, đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng từ đó góp phần làm chuyển biến trong nhận thức, thay đổi tâm lý “sính” hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng, xây dựng thói quen sử dụng hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc bằng những hành động thiết thực, hướng đến ưu tiên lựa chọn hàng Việt, nhất là những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao cũng như những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương… Riêng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn tỉnh, hàng hóa Việt được bày bán chiếm ưu thế, với tỷ lệ trên 90% (riêng siêu thị Co.opmart Thành Hà, TTTM Vincom Plaza Ninh Thuận - tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 95%).
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang ghi nhận nhiều kết quả tích cực từ phía các cơ quan hữu quan, người dân và DN. Trong giai đoạn tiếp theo, CVĐ sẽ được tiếp tục phát huy mạnh mẽ với diện mạo mới, chủ động hơn để hàng Việt hướng đến mục tiêu “chinh phục” được người tiêu dùng. Có như vậy mới có thể nâng tầm chất lượng hàng hóa Việt Nam cũng như tạo ra cơ hội mới để các sản phẩm Việt Nam vươn mình xa hơn trong tương lai.
Anh Thi