Trả lời phỏng vấn của Báo Ninh Thuận, đồng chí Nguyễn Hữu Phước, Chi cục trưởng Chi cục thú y:

Bệnh lở mồm long móng gia súc đã được khống chế

Vừa qua, bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc xuất hiện rải rác ở một số xã của huyện Bác Ái. Xung quanh công tác phòng chống dịch bệnh này, Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Phước (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh.

- PV: Đồng chí cho biết hiện nay công tác phòng chống dịch bệnh LMLM được triển khai ra sao?

- Đồng chí Nguyễn Hữu Phước: Trước Tết Nguyên đán, bệnh LMLM gia súc khởi phát tại các xã Phước Bình, Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Hòa nhưng đã được khống chế điều trị hiệu quả. Mới đây, tại thôn Ma Lâm (Phước Tiến) có 10 con trâu, bò mắc bệnh LMLM đã được chữa lành, còn 7 con bò mắc bệnh ở thôn Suối Rua cũng đang được cơ quan thú y khống chế. Hiện nay, theo đánh giá của chúng tôi, tình hình dịch bệnh LMLM gia súc ở tỉnh ta nói chung và huyện Bác Ái nói riêng, các bệnh truyền nhiễm khác trên gia súc dù có xảy ra rải rác nhưng không gây thành dịch. Công tác tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm đã được triển khai, nhưng do tình hình chung, vắc-xin bệnh LMLM chưa nhập về kịp nên việc thực hiện phải đợi sang tháng tư. Tuy nhiên nhờ đàn trâu bò mới tiêm phòng đợt II năm qua vẫn còn miễn dịch nên cũng không đáng lo lắm.

- PV: Đồng chí có thể giải thích vì sao Bác Ái dễ xảy ra dịch bệnh LMLM gia súc và biện pháp khắc phục?

- Đ/c Nguyễn Hữu Phước: Trong lĩnh vực chăn nuôi, Bác Ái đã có bước phát triển khá mạnh, từ 3.000 con trâu, bò những năm trước kia nay đã có tổng đàn trên 15.000 con. Nhưng chính sự phát triển nhanh, thông qua nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đã làm cho ngành thú y không thể kiểm tra, giám sát hết lượng gia súc từ ngoài tỉnh nhập về qua ngả các xã giáp ranh tỉnh bạn. Mặt khác tỷ lệ trâu bò được tiêm phòng chỉ đạt trên 30% tổng đàn ở Bác Ái là quá thấp, trong khi muốn đảm bảo tính bảo hộ miễn dịch phải có ít nhất trên 80% tổng đàn trong diện tiêm bắt buộc được tiêm phòng. Vì Bác Ái không được hưởng lợi từ chương trình LMLM quốc gia miễn phí, tỉnh ta phải trích ngân sánh hỗ trợ toàn bộ thế nhưng do nhận thức người dân, trâu bò lại chăn thả rải rác trên núi cao nên năm ngoái cũng chỉ có 4.200 con trâu, bò ở đây được tiêm. Theo tôi để phòng chống hiệu quả bệnh LMLM trên trâu, bò, ngoài việc hạn chế đưa bò không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm tra thú y về nuôi, Bác Ái cần nâng tỷ lệ tiêm phòng bệnh lên. Trong đợt tiêm sắp đến, có thêm kinh phí hỗ trợ từ Chương trình 30a, Bác Ái dự kiến nâng số trâu bò tiêm phòng lên 8.000 con và đặc biệt đã ra chỉ tiêu pháp lệnh buộc cấp ủy, chính quyền các xã phải lãnh đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- PV: Trong tình hình bệnh LMLM gia súc chưa phải đã hết nguy cơ bộc phát, theo đồng chí cần có biện pháp gì để phòng chống hiệu quả?

- Đ/c Nguyễn Hữu Phước: Đối với huyện miền núi Bác Ái, khi đưa gia súc (chủ yếu là bò) từ ngoài tỉnh hay các địa phương khác về nuôi, phải xác định rõ nguồn gốc, phải qua kiểm dịch có đánh dấu tiêm phòng vắc-xin LMLM và được lấy máu kiểm tra lại độ bảo hộ vắc-xin, sau đó nuôi cách ly trong thời gian 21 ngày để theo dõi trước khi giao cho dân nuôi. Thực ra nói đến bệnh LMLM , hiện tại điều đáng lo không phải ở trâu, bò mà chính là heo nuôi. Theo thông báo của Cục Thú y, bệnh LMLM đang có sự biến đổi vi-rút làm lây lan nhanh hơn, có độc lực cao hơn dễ gây chết cho gia súc non, đặc biệt là heo sữa, heo con. Điều này có nghĩa trọng điểm bệnh LMLM gia súc không còn là Bác Ái nữa vì đàn heo nuôi ở đây không nhiều. Trước nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh LMLM trên, Chi cục Thú y đang đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch. Dự kiến đầu tháng tư sẽ triển khai tiêm 97.000 liều vắc-xin bệnh LMLM cho trâu, bò, dê, cừu và 8.500 liều cho heo nái, heo giống từ nguồn hỗ trợ của Chương trình LMLM quốc gia. Cùng với việc tiêm phòng sẽ cung cấp 15 tấn hoá chất (tồn của năm ngoái) cho các địa phương tiến hành tiêu độc khử trùng môi trường chuồng trại chăn nuôi; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và việc mua nhập heo từ các địa phương khác về. Đồng thời tập trung thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, với nội dung thiết thực, phong phú nhằm làm cho người chăn nuôi và chính quyền các địa phương chủ động hơn trong phòng, chống dịch bệnh LMLM gia súc.

Xin cảm ơn đồng chí.