Giám đốc chuyên môn của ANLIS Claudia Perandones cho biết các nhà khoa học đã xác định được những virus này có ba nguồn xuất xứ từ Mỹ, châu Âu và châu Á. Theo kết quả nghiên cứu, SARS-CoV-2 đang lây lan ở Argentina không phải là cùng loại với chủng virus đã xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, bởi vì từ đó đến nay SARS-COV-2 đã không ngừng biến đổi trong quá trình lan truyền trên thế giới.
Hình ảnh được quét qua kính hiển vi điện tử tại phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu y tế quốc gia Mỹ cho thấy
virus SARS-CoV-2 (vật thể tròn màu xanh) nổi lên trên bề mặt tế bào bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới khoa học Argentina cho rằng sẽ cần phải tiến hành giải mã trình tự bộ gien của chủng virus bản địa trên nhiều bệnh nhân nữa để có thể xác định được SARS-CoV-2 đã lây lan ở Argentina như thế nào.
Bà Perandones nhấn mạnh, điều quan trọng là thu thập được càng nhiều mẫu càng tốt để xem sự đột biến của bộ gien có quan hệ ra sao với tác động của virus trên người, đồng thời nhận định không phải tất cả mọi đột biến của bộ gien đều tạo ra những thay đổi đối với các tác động đó, nhưng nếu có sự thay đổi nào thì từ đó có thể thiết lập các tham số, ví dụ tính chất sát thương của từng chủng virus, mức độ nghiêm trọng của chúng khi tấn công, các triệu chứng và phương thức gây nhiễm của mỗi chủng.
Thí nghiệm mà các nhà khoa học Argentina thực hiện thành công cũng đã được tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới và điều này rất quan trọng vì nó cho phép theo dõi ở chế độ thời gian thực các đường lây truyền ở cấp độ phân tử - di truyền. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là lần đầu tiên trong lịch sử trong đó việc phát triển của công nghệ cho phép nghiên cứu bộ gien của các bệnh nhân cùng lúc với việc chủng virus có những biến đổi theo thông lệ.
Thành công của các nhà khoa học Argentina ngoài việc giúp hiểu rõ về sự lây truyền của SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Mỹ này còn mở ra cơ hội để có thể cải thiện chất lượng chẩn đoán, hỗ trợ công tác giám sát dịch tễ học, đóng góp vào việc chế tạo các kits xét nghiệm đang khan hiếm trên thế giới, cũng như quá trình tìm kiếm công thức vắcxin chống SARS-CoV-2.
Kết quả phân tích của các nhà khoa học Trung tâm ANLIS đã được gửi tới Global Initiative on Sharing All Influenza Data (GISAID) - Tổ chức Sáng kiến chia sẻ toàn bộ dữ liệu về Cúm mùa có trụ sở tại Đức và đã được thông qua.
Theo TTXVN/Báo Tin tức