Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Acta Paediatrica số ra ngày 8/4, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland (Australia) đã phát hiện rằng bên cạnh “giấc ngủ lành mạnh” kéo dài 10 tiếng đồng hồ/đêm đối với trẻ nhỏ, có một mối liên hệ lớn giữa thời gian đi ngủ muộn và việc tăng cân không lành mạnh.
Thức khuya có nguy cơ gây thừa cân hoặc béo phì ở trẻ em. Ảnh: telegraph.co.uk
Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích các dữ liệu ngủ trong 4 năm của trên 1.200 trẻ em tại Australia, tập trung vào nhóm trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 8 tuổi. Nhà nghiên cứu Yaqoot Fatima cho biết những trẻ thường xuyên đi ngủ sau 21h30 được phát hiện có nguy cơ thừa cân hoặc béo phì lớn hơn so với những trẻ có thói quen lên giường sớm vào khoảng 19h. So với những trẻ đi ngủ sớm, những đứa trẻ mà các nhà nghiên cứu mô tả là “những con cú đêm” trung bình nặng hơn 1,5 - 2,5 kg sau 3 năm theo dõi.
Theo các chuyên gia Đại học Queensland, nghiên cứu trên đã nêu bật tầm quan trọng việc đi ngủ sớm cũng như những lợi ích mà thói quen này mang lại, thay vì chỉ tập trung vào số giờ trẻ ngủ như quan niệm lâu nay của nhiều bậc cha mẹ. Việc coi lượng thời gian ngủ là phương pháp duy nhất đánh giá chất lượng giấc ngủ sẽ không phù hợp để đảm bảo trẻ có một thể trạng tốt nhất.
Các nhà nghiên cứu hy vọng việc chia sẻ thông tin về vai trò của việc đi ngủ sớm với các bậc cha mẹ hay những người chăm sóc có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo trẻ có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ việc hình thành thói quen đi ngủ sớm, ngủ đúng giờ và đủ giấc.
Theo TTXVN/Báo Tin tức