Phước Kháng

Vươn lên xây dựng nông thôn mới

Đã khá lâu chúng tôi mới trở lại xã vùng cao Phước Kháng (Thuận Bắc). Trên suốt chặng đường từ trung tâm huyện vào đến xã, hai bên đường màu xanh của các rẫy bắp, vườn điều... đang thay thế dần cho những cánh rừng cằn cỗi. Nhiều công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng mới xen lẫn với nhà dân... đã tạo nên diện mạo Phước Kháng hôm nay.

Toàn xã Phước Kháng hiện có tổng diện tích đất tự nhiên trên 4.600 ha, trong đó đất nông nghiệp 296,63 ha, đất lâm nghiệp 4.260,44 ha. Để đưa kinh tế địa phương ngày một phát triển, vài năm trở lại đây cùng với việc củng cố, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, cấp uỷ, chính quyền xã Phước Kháng tập trung lãnh đạo nhân dân phát huy có hiệu quả lợi thế của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhờ đó đến nay đời sống của người dân đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Anh Ka-tơr Đượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, khi còn ở trên núi Đá Mài, do địa hình núi dốc, người dân sống không tập trung cộng với tập quán sản xuất chủ yếu là phát rẫy nên đời sống còn nhiều khó khăn. Nhưng từ năm 1994 trở lại đây, khi Nhà nước có chính sách đưa bà con về định cư ở vùng đập Bến Nưng thì đời sống của người dân đã có sự đổi thay rõ nét. Xóm làng đã có điện thắp sáng, có nước sạch sinh hoạt, có trường học khang trang để con em đến trường học chữ. Cấp ủy, chính quyền xã luôn động viên nhắc nhở bà con cố gắng chăm chỉ làm ăn bằng việc phát triển trồng trọt các loại cây trồng như: bắp, lúa, đậu...Chỉ tính riêng trong năm 2010, bà con đã gieo trồng được 35 ha lúa, 13,5 ha mía, 17 ha rau đậu và 193 ha bắp xen canh dưới tán điều, sản lượng lương thực đạt 542,5 tấn. Đặc biệt, với lợi thế đất rừng rộng, những năm gần đây nhân dân xã Phước Kháng còn tập trung phát triển chăn nuôi các loại gia súc như trâu, bò, dê, cừu với tổng đàn hiện có trên 8.000 con, trong đó đàn trâu 90 con, đàn bò 816 con, dê, cừu 1.525 con...

Điều đáng mừng trong phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay ở Phước Kháng đó là Nhà nước đã quan tâm quy hoạch trồng rừng, cấp đất sản xuất lại cho từng hộ dân, tạo điều kiện cho bà con yên tâm phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, thông qua dự án trồng rừng 661 xã đã có 272 hộ tham gia nhận trồng rừng, với diện tích trên 180 ha. Trong năm 2010, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Trâu đã tiến hành được 8 đợt cấp phát gao cho các hộ nhận trồng rừng, mỗi nhân khẩu 10kg/tháng. Chương trình 135 giai đoạn II đã cấp 300 triệu đồng để mua bò, dê hỗ trợ cho 93 hộ nghèo. Các đơn vị như: Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Làm vườn tỉnh... cũng đã hỗ trợ giống vật nuôi như cừu, thỏ và nhiều loại giống cây trồng khác như: chuối sứ, mãng cầu, điều... để phát triển thêm mô hình nông – lâm kết hợp. Chính nhờ có các mô hình này mà đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày một nâng lên đáng kể. Toàn xã hiện có trên 460 hộ dân thì có tới gần 50% hộ được xếp vào diện trung bình đến khá. Trong năm 2010, xã có thêm 19 hộ được thoát nghèo, góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 33,28%.

Một thành tựu nổi bật nữa của xã Phước Kháng đó là sự nghiệp giáo dục đang ngày càng phát triển. Từ nguồn ngân sách của Nhà nước, của tỉnh, trong vài năm gần đây địa phương đã được đầu tư xây dựng một số trường học với quy mô lớn như Trường THCS xã Phước Kháng và một số phòng học bán trú dân nuôi ở 2 thôn Suối Le và Đá Mài Trên, nên tỷ lệ học sinh ra lớp ngày được nâng lên. Toàn xã hiện có 1 Trường THCS, 1 Trường Tiểu học và 5 điểm trường mẫu giáo tại 5 thôn, với 471 em học sinh đang theo học từ bậc Mầm non đến THCS.

Sau 18 năm kể từ ngày xuống núi định cư, đời sống của người dân xã Phước Kháng đã được cải thiện rất nhiều. Trước đây nếu người dân chỉ biết phát rừng làm rẫy thì nay toàn xã đã có 35 hộ cá thể kinh doanh các dịch vụ thương mại, phục vụ tốt nhu cầu phát triển đời sống kinh tế – xã hội địa phương; biết sản xuất những giống cây trồng có năng suất, sản lượng cao, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nên cái đói, cái nghèo dần được đẩy lùi. Những năm được mùa lúa, mùa bắp..., nhiều hộ gia đình đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được thêm tiện nghi, vật dụng đắt tiền trong gia đình. Ý thức của người dân trong việc chăm sóc sức khoẻ ngày càng nâng cao, mỗi khi ốm đau bệnh tật, người dân đã biết đến Trạm y tế để chữa trị. Công tác Dân số – KHHGĐ luôn được người dân thực hiện tốt. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” luôn được người dân hưởng ứng, đến nay xã có 2 thôn được công nhận Thôn văn hóa cấp huyện. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT thường xuyên được tổ chức, góp phần nâng cao sức khỏe, tạo mối quan hệ tốt đẹp trong nhân dân.

Tuy trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí và quyết tâm của người dân, sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, tin rằng Phước Kháng sẽ còn vươn xa hơn nữa, xứng đáng với niềm tự hào của một xã anh hùng trong kháng chiến.