Cụ thể, giá bán lẻ mặt hàng xăng tăng 2.000 đồng/lít, loại A92 từ 19.300 đồng/lít tăng lên 21.300 đồng/lít; giá dầu diezel được điều chỉnh tăng 2.800 đồng/lít, từ 18.300 đồng/lít tăng lên 21.100 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 2.600 đồng/lít, từ 18.200 đồng/lít lên 20.800 đồng/lít; dầu mazut tăng 2.000 đồng/kg, từ 14.800 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg.
Theo Bộ Tài chính, với mức tăng trên, giá xăng dầu tại Việt Nam so với giá các nước trong khu vực (Lào, Trung Quốc, Campuchia) vẫn thấp hơn khoảng từ 2.300 đồng/lít - 5.000 đồng/lít.
Để giảm thiểu tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa việc lợi dụng chủ trương điều hành giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ khác không hợp lý; đồng thời tích cực thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng dầu của Chính phủ trong sản xuất và tiêu dùng.
Sau lần điều chỉnh giá xăng dầu này, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh giá trong nước; nếu giá thế giới giảm thì khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và thực hiện giảm giá bán (nếu có điều kiện).
Theo ghi nhận của phóng viên SGGP, sau khi có thông tin về tăng giá xăng dầu, tối qua lượng người đến mua xăng dầu tại các cây xăng ở Hà Nội tăng vọt. Tuy nhiên, đến khoảng 21 giờ 30 phút, nhiều cây xăng đã tạm ngừng bán hàng, thông báo “kiểm kê hàng” trước giờ tăng giá.
Nguồn Báo SGGP