Ngay từ đầu vụ đông - xuân 2019-2020, huyện Thuận Bắc xác định sẽ gặp nhiều bất lợi do hạn, thiếu nước sản xuất. Chính vì vậy, huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã tổ chức kiểm tra thực tế từng khu vực, xây dựng phương án gieo trồng hợp lý đối với từng khu vực. Theo thống kê, vụ đông-xuân toàn huyện xuống giống 953 ha cây trồng các loại; trong đó, lúa 628 ha, cây ăn quả 60 ha; chuyển 50 ha từ đất sản xuất lúa thiếu nước, đất gò đồi sang canh tác cây trồng cạn để tiết kiệm nước. Nhờ thực hiện tốt công tác dự báo, theo dõi, giám sát chặt chẽ và hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh, đến thời điểm hiện nay, phần lớn diện tích lúa, các loại cây trồng khác đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Nhờ khoan giếng chống hạn, 2,5 sào ớt và đậu phộng của gia đình chị Phạm Thị Cúc, thôn Láng Me,
xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) phát triển tốt.
Theo Trạm Thủy nông huyện Thuận Bắc, hiện nay mực nước tại các hồ đang xuống thấp. Cụ thể, hồ Sông Trâu còn 3,75 triệu m3, Bà Râu 1,70 triệu m3, Ma Trai 0,48 triệu m3 và Ba Chi 0,28 triệu m3. Căn cứ vào lượng nước hiện có, ngoài điều tiết hợp lý nước cho vụ đông-xuân, những vùng được xác định thiếu nước sinh hoạt khi hạn hán kéo dài như thôn Suối Le (xã Phước Kháng), Xóm Bằng (xã Bắc Sơn), Bình Tiên (xã Công Hải) và xã Phước Chiến, huyện đã xây dựng phương án cấp nước ổn định, quyết tâm không để thiếu nước ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều mô hình hay, cánh làm sáng tạo để ứng phó với hạn hán được nông dân chủ động thực hiện. Điển hình như ở xã Bắc Sơn, khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, ngoài chuyển đổi cây trồng, một số hộ canh tác khu vực gần sông, suối đã đầu tư hệ thống máy bơm, đào ao, khoan giếng để bổ sung nước tưới, hạn chế đáng kể phần đất bỏ hoang. Chị Phạm Thị Cúc, ở thôn Láng Me, chia sẻ: Gia đình có 2,5 sào đất chuyên trồng lúa, tuy nhiên vì không đủ nước sản xuất nên đã chuyển toàn bộ sang trồng đậu phộng và ớt. Nhờ khoan giếng chống hạn nên lượng nước vẫn đảm bảo, đủ tưới xuyên suốt cho cây trồng đến khi thu hoạch. Đồng chí Sầm Văn Tim, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, cho biết: Từ việc triển khai các biện pháp ứng phó hạn sớm, địa phương cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu nước sản xuất. Riêng 5 ha lúa vụ đông-xuân ở vùng cuối kênh đang có nguy thiếu nước, xã đã thông báo cho Trạm thủy nông huyện sớm có kế hoạch điều tiết hợp lý.
Song song với việc ổn định nguồn nước sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân, huyện cũng khuyến cáo các nông hộ trên địa bàn có kế hoạch duy trì và phát triển đàn gia súc có sừng phù hợp với điều kiện nắng hạn. Triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ, thực hiện tiêm phòng đầy đủ; chủ động phương án dự trữ, chế biến thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
Đồng chí Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Tinh thần ứng phó với hạn trên địa bàn huyện rất khẩn trương, ngoài chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, triển khai kịp thời các phương án ứng phó đảm bảo thống nhất và hiệu quả, huyện chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn với quyết tâm không để thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; đồng thời, quyết liệt trong công tác chuyển đổi cây trồng, bảo vệ đàn gia súc vượt qua nắng hạn trong thời gian tới.
Hy vọng, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương cùng với sự chủ động của nông dân địa phương sẽ từng bước vượt qua khó khăn nắng hạn, thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, đảm bảo ổn định đời sống.
Hồng Lâm