Tác động trước hết của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP là việc thực hiện Chính sách tín dụng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân xã Thanh Hải được vay vốn đóng mới, nâng cấp những con tàu lớn đủ sức vươn khơi xa, bám biển dài ngày, tăng thu nhập cho gia đình bằng chính nghề đánh bắt hải sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cụ thể, trong thời gian qua ngư dân Thanh Hải đã đăng ký 28 hồ sơ đóng mới tàu cá theo các nghị định trên, qua thẩm định của ngân hàng đã có 9 trường hợp vay vốn tín dụng đóng mới và 2 trường hợp nhận chuyển nhượng tàu cá, nâng tổng số tàu cá “67” của Thanh Hải lên 11 chiếc, trong đó có 10 tàu cá khai thác xa bờ và 1 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tàu cá “67” vỏ dài 24m neo đậu tại bến cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải).
Toàn xã Thanh Hải hiện có 98 tàu có vỏ dài 15 m trở lên (riêng tàu 24 m có 11 chiếc), trong đó hằng năm có khoảng 48 tàu cá thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa thuộc huyện đảo Trường Sa và khu vực giàn khoan DK1. Sự phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ mà nòng cốt là các tàu “67” đã góp phần đưa sản lượng đánh bắt hải sản của Thanh Hải tăng dần, nếu năm 2017 đạt 6.000 tấn, năm 2018 đạt 6.590 tấn thì năm 2019 sản lượng đạt 7.250 tấn. Cơ cấu hải sản khai thác được cũng thay đổi đáng kể, các loại cá, mực, tôm đánh bắt có giá trị kinh tế cao luôn chiếm tỷ lệ lớn. Theo nhận xét của lãnh đạo Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Ninh Hải, nhìn chung, đa số các dự án vay vốn đóng mới tàu “67” ở Thanh Hải hoạt động hiệu quả, có nhiều chủ tàu thực hiện nghiêm túc việc trả nợ vay, đúng cam kết với ngân hàng, có tích lũy vốn và đầu tư phát triển thêm tàu cá mới.
Tại bến cá Mỹ Tân (Thanh Hải), chúng tôi có dịp trao đổi với nhiều chủ tàu cá, ngư dân đang tất bật với công việc chuẩn bị ra khơi. Theo họ, các tàu đã tích cực tham gia khai thác, đánh bắt rất hiệu quả, điển hình như các tàu cá của ông Lê Minh Trí, Đào Nhật Định, Võ Văn Hương cùng cư ngụ ở thôn Mỹ Tân 1, tàu cá của ông Đỗ Phúc ở thôn Mỹ Tân 2…Bình quân mỗi năm khai thác, đánh bắt hải sản, nếu trừ chi phí thì các chủ tàu trên còn lãi được 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Ông Lê Minh Trí, chủ tàu lưới vây 829 CV chia sẻ: Được sự quan tâm của các sở, ngành và địa phương, tôi đã được vay với số tiền gần 13 tỷ đồng, đóng mới con tàu vỏ composite theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, trang bị hệ thống máy móc hiện đại nên sản lượng khai thác hải sản tăng một cách đột phá. Nhờ thu lợi nhuận bình quân 1 tỷ đồng/năm, tôi đã trả gốc và lãi cho ngân hàng với số tiền trên 3 tỷ đồng.
Hiệu quả của tàu “67” đang được chứng minh ở xã Thanh Hải, kích thích ngư dân đầu tư đóng mới hoặc chuyển nhượng tàu cá khai thác hải sản xa bờ. Đơn cử gần đây có ông Lê Thành Âu, thôn Mỹ Tân 1, xin nhận chuyển nhượng tàu cá của ông Nguyễn Thanh Hải ở phường Mỹ Đông (Tp Phan Rang-Tháp Chàm) đã được UBND xã Thanh Hải họp xét và hoàn chỉnh hồ sơ trình lên các ngành liên quan xem xét chấp thuận phê duyệt. Ông Phạm Xuân Thành cho biết: “Trước nhu cầu rất lớn của ngư dân đang cần nâng cao công suất tàu và chuyển đổi nghề như hiện nay, xã đề nghị Chi cục Thủy sản và UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị về Trung ương cho địa phương đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP”.
Hiện nay Thanh Hải đang đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP cho các ngư dân địa phương. Bên cạnh đó còn tăng cường phối hợp với các ngành chuyên môn cấp trên tổ chức tập huấn kỹ thuật vận hành máy dò ngang, máy định vị và các máy khác trên tàu cho ngư dân để thuận lợi trong khai thác. Theo hướng đưa nghề cá vươn khơi, trước mắt Thanh Hải phấn đấu trong năm nay đạt và vượt các chỉ tiêu đánh bắt hải sản đã đề ra.
Bạch Thương