Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV khai thác công trình Thủy lợi (Công ty Thủy lợi), tính đến ngày 27-1, mực nước tại 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh ở mức 73,55 triệu m3, chiếm 37,8% tổng dung tích thiết kế. Hồ Đơn Dương nước ở cao trình 1.038,28, tương đương dung tích tích 131,40 triệu m3, đạt 79,6% so với dung tích thiết kế (thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 20,6%). Tổng diện tích đã xuống giống gieo cấy là 18.969,32 ha (trong đó: Lúa: 10.259,54 ha; màu: 8.587,21 ha; Thủy sản: 90,57 ha), đạt 99,27% so với diện tích theo phương án 1 của Kế hoạch 5174/KH-UBND ngày 21-12-2019. Mặc dù, ngày từ đầu vụ đông-xuân 2019-2020, Công ty Thủy lợi đã chủ động điều tiết nước luân phiên giữa các đập dâng, vận hành 2 cống xả cát tại đập Sông Pha, giảm độ mở của các cống lấy nước kênh Tây, kênh Đông và kênh Nam để ưu tiên cấp nước cho kênh Bắc và kênh Tấn Tài, Tân hội. Tuy nhiên, do lượng nước phát điện của Đa Nhim thấp hơn nhu cầu hạ du rất nhiều, kết hợp với việc có nhiều máy bơm của người dân đặt dọc theo bờ tả kênh Bắc đoạn từ hạ lưu Quốc lộ 1A đến cuối kênh Bắc để bơm nước cho hơn 15 ha lúa diện tích gieo cấy ngoài kế hoạch, làm cho một số vùng cuối kênh Bắc bị thiếu nước cục bộ (gồm khu tưới kênh Bầu Nhĩ, Cây Dâu, Truông Sảo thuộc thôn Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn) và các kênh Tà Thúc, Ma Rố, Bà Xoài (xã Phương Hải) với tổng diện tích gần 350 ha lúa và khoảng 30 ha lúa thuộc khu tưới ở vùng cuối kênh Tân hội (thị trấn Khánh Hải).
Nông dân xã Phước Ninh (Thuận Nam) trồng cây trồng ngắn hạn, sử dụng nước tiết kiệm.
Để giải quyết vấn đề trên, từ ngày 22-1, Công ty Thủy lợi đã mở 2 cửa xả tràn hồ Sông Sắt để tăng cường điều tiết nước, bổ sung 2,22 triệu m3 nước cho hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm, với độ mở 2 cửa trào có lưu lượng xả từ 1,5-7 m3/s. Nhờ đó, các diện tích bị thiếu nước cục bộ cơ bản đã được cấp nước cho cây trồng, đảm bảo sinh trưởng và phát triển bình thường. Tuy nhiên, theo kế hoạch trong thời gian tới, nhà máy thủy điện Đa Nhim sẽ tiếp tục phát điện thấp hơn nhu cầu ở hạ du thì tình hình hạn hán sẽ xảy ra tại vùng 4 cuối kênh Bắc tập trung ở khu tưới nằm trên địa bàn thôn Phương Cựu (xã Phương Hải) và thôn Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn) với diện tích 350 ha. Do đó, người dân cần bơm nước theo đúng lịch điều tiết của kênh Bắc. Đối với diện tích đã gieo cấy, cần khoanh vùng, khuyến cáo không để bà con mở rộng diện tích gieo cấy ngoài kế hoạch; tăng cường công tác nạo vét, kênh mương nội đồng để khơi thông dòng chảy.
Trước diễn biến hạn hán đang xảy ra, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương bị tác động do biến đổi khí hậu cần thực hiện phương châm hành động: “Không để nhân dân thiếu nước sinh hoạt; không để nhân dân thiếu đói; không để phát sinh dịch bệnh trên người, vật nuôi; tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc”; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để chủ động nắm bắt tình hình thời tiết nhằm triển khai các phương án ứng phó hạn hán kịp thời; đảm bảo nguồn nước, lương thực phục vụ dân sinh; chủ động huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó hạn hán đảm bảo đồng bộ, tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ, hiệu quả trong công tác ứng phó hạn hán gắn với thực hiện theo nguyên tắc: Việc sử dụng nước phải ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phục vụ cho chăn nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; nước tưới cho các cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo nhân dân không sản xuất lúa ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn phải bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.
Văn Nỷ