Đến cuối năm 2019, nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 15.648 tỷ đồng, tăng 2.418 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 18,28%) so với cuối năm 2018, đáp ứng khoảng 63,74% nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên
Trong tổng nguồn vốn huy động kể trên thì tiền gửi tiết kiệm từ dân cư đạt tỷ lệ tăng khá cao với 17,72% và chiếm tỷ trọng đến 68,3% trong tổng nguồn vốn huy động. Từ nguồn vốn huy động này, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD thực hiện giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Kết quả, đến cuối năm 2019 tổng doanh số mà các NH cho vay đạt 45.775 tỷ đồng, tăng 3.737 tỷ đồng so với năm 2018. Trong đó, doanh số cho vay ngắn hạn đạt 39.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 87%, tăng 5.266 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 15,2%); doanh số cho vay trung dài hạn đạt 5.975 tỷ đồng, chiếm 13%; qua đó góp phần đưa dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đến thời điểm 31-12-2019 đạt 24.548 tỷ đồng, tăng 3.754 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 18,05%) so với cùng kỳ.
Nguồn vốn cho vay được các NH tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; các lĩnh vực tỉnh có lợi thế đang đẩy mạnh thu hút đầu tư như năng lượng tái tạo, du lịch. Bên cạnh đó, các TCTD còn triển khai gói sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống chính đáng của người dân nhằm hạn chế nạn tín dụng đen, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông lâm nghiệp - thủy sản đạt 5.700 tỷ đồng, chiếm 23,22% trong tổng dư nợ cho vay, tăng 483 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng đạt 4.400 tỷ đồng, chiếm 17,92%, tăng 751 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ đạt 9.649 tỷ đồng, chiếm 39,31%, tăng 1.859 tỷ đồng và dư nợ cho vay tiêu dùng 4.799 tỷ đồng, chiếm 19,5%, tăng 661 tỷ đồng.
Nông dân Thuận Bắc đầu tư mở rộng diện tích trồng măng tây xanh, mang lại hiệu quả cao.Ảnh: H.Lâm
Thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trong năm qua, các TCTD còn đẩy mạnh thông tin về các chương trình, sản phẩm tín dụng và dịch vụ ngân hàng đang triển khai đến doanh nghiệp trên địa bàn; trao đổi, giải đáp các thắc mắc liên quan đến tiếp cận tín dụng; tiếp tục giải ngân đối với các hồ sơ vay vốn được ký kết tại hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đợt 2 năm 2018 đạt 32 tỷ đồng (bằng 96,5% số tiền cam kết cho vay). Đặc biệt, thực hiện các giải pháp hoạt động tín dụng tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng vay 435 hợp đồng tín dụng với số tiền 243,2 tỷ đồng; xem xét miễn, giảm lãi vay 234 hợp đồng tín dụng với số lãi được miễn giảm là 22,4 tỷ đồng. Song song đó, các NH còn đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, xác định đối tượng doanh nghiệp đang có khó khăn để có các biện pháp tháo gỡ và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý. Với sự nỗ lực và triển khai đồng bộ của cả hệ thống, đến cuối năm 2019, có 1.216 doanh nghiệp được vay vốn NH với tổng dư nợ 8.615 tỷ đồng, tăng 36 doanh nghiệp và tăng 1.400 tỷ đồng so với cuối năm 2018, chiếm 38,7% dư nợ cho vay của các NH thương mại; chiếm 39,4% số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của ngành NH và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong năm 2020, NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai các giải pháp huy động vốn tại chỗ trên cơ sở chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất của NHNN, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho phát triển kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh các giải pháp mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với định hướng của ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp theo chiều sâu gắn với triển khai các cơ chế chính sách, tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh của tỉnh và thành phần kinh tế tập thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Ngoài các giải pháp kể trên, NHNN tỉnh còn tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 17-9-2018 của Thống đốc NHNN về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND tỉnh về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm và rủi ro. Chỉ đạo các TCTD rà soát, chuẩn hóa và đơn giản các quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu các thủ tục cho vay, minh bạch thông tin, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng cũng như các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng với chi phí hợp lý. Phấn đấu đến cuối năm tổng nguồn vốn huy động tăng tối thiểu 12%; đầu tư tín dụng tăng trưởng 18 - 20% với lãi suất hợp lý; dư nợ tín dụng tăng khoảng 14% so với năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Văn Thanh