Theo báo cáo tiến độ các dự án điện gió điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh có 32 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 1.966,79 MW. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 31 dự án, với quy mô công suất 1.816,79 MW, tổng vốn đăng ký 49.997 tỷ đồng. Trong số các dự án được cấp quyết định đầu tư, có 18 dự án điện mặt trời đã nối lưới với công suất 1.183 MW; có 9 dự án công suất 454 MW đã tiến hành khởi công và có 4 dự án đang hoàn tất thủ tục để khởi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Có một số dự án triển khai khá chậm các thủ tục liên quan, cũng như tiến hành việc thi công xây lắp hạ tầng tại thực địa. Đơn cử như dự án trang trại điện mặt trời Hồ Núi Một của công ty Trường Thành chưa hoàn tất nghĩa vụ ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án và 3 dự án chưa ký được hợp đồng mua bán điện bao gồm: Dự án điện mặt trời Phước Thái 1 của EVN, trang trại điện mặt trời Hồ Núi Một của Công ty Trường Thành, dự án nhà máy điện mặt trời kết hợp nông nghiệp Thuận Nam 12 của Công ty Cổ phần điện mặt trời Thành Vinh...
Nhiều dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại, tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: N.A.T
Về điện gió, tính đến nay UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án, với quy mô công suất 681,25 MW, tổng vốn đăng ký 25.855 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 4/13 dự án đã ký được hợp đồng mua bán điện; trong đó có 3 dự án đã triển khai xây dựng đi vào hoạt động gồm: Dự án điện gió Đầm Nại, nhà máy điện gió Mũi Dinh và nhà máy điện gió Trung Nam; có 6 dự án phải thực hiện bổ sung quy hoạch đấu nối. Hiện nay có 4 dự án chậm tiến độ dưới 12 tháng và 4 dự án khác chậm tiến độ trên 12 tháng.
Nguyên nhân chủ yếu chậm tiến độ là các dự án này đang vướng về phương án đấu nối lưới điện quốc gia theo quy hoạch và lo ngại của chủ đầu tư về hướng giải tỏa công suất của các dự án. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, về thủ tục pháp lý hợp đồng mua bán điện và điều chỉnh hướng tuyến, đấu nối đường dây truyền tải tại một số dự án cũng đang gặp khó khăn…
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiến độ UBND tỉnh đã đề nghị các chủ dự án cần chủ động thể hiện quyết tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công thực hiện các dự án để kịp thời hưởng chính sách ưu đãi về giá bán điện và đảm bảo các điều kiện về đấu nối giải tỏa công suất 2.000MW mà tỉnh đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương. Mặt khác, UBND tỉnh cũng tăng cường phối hợp với các bộ ngành liên quan, đốc thúc tiến độ thực hiện các dự án đường dây truyền tải điện, cũng như đề xuất kiến nghị phương án của tỉnh với Chính phủ về thực hiện đường dây 500kv nhằm đáp ứng nhu cầu giải phóng hết công suất của các dự án năng lượng tái tạo.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp kịp thời với địa phương để nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, triển khai thực hiện kịp thời các dự án năng lượng tái tạo. Trong thời gian tới các các sở, ngành liên quan cần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh đảm bảo thuận lợi, kịp tiến độ. Trong đó, chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Đối với những dự án chậm tiến độ so với cam kết của chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan tổ chức thanh tra, lập biên bản, có cơ sở xử lý thu hồi dự án theo quy định. Trên tinh thần đó, kịp thời rà soát, bổ sung các dự án thay thế để không ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư và lợi thế phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Anh Tuấn