Bác Ái vững tin vào mùa xuân mới

Trong không khí se lạnh của những ngày cuối năm, ngược từ trung tâm Tp. Phan Rang - Tháp Chàm về trung tâm huyện Bác Ái trên tuyến Tỉnh lộ 705, Bác Ái hiện lên trước mắt chúng tôi là bức tranh rực rỡ, nhộn nhịp với đại công trình điện mặt trời hiện đại, các mô hình thí điểm trong sản xuất nông nghiệp được đầu tư bài bản...như nhắn nhủ về một năm mới với nhiều thắng lợi mới.

Vượt lên khó khăn

Còn nhớ trong những ngày đầu khi huyện chia tách, Bác Ái đứng trước bộn bề những thách thức như: Nền nông nghiệp lạc hậu, hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Bấy giờ, Đảng bộ, chính quyền huyện Bác Ái xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải tạo hướng đi đột phá, đi lên từ sản xuất nông nghiệp; đề ra các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhằm nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Với những quyết sách đúng đắn của địa phương cùng với ý chí tự lực, tự cường của nhân dân, sự đầu tư hỗ trợ từ Trung ương, của tỉnh, kinh tế-xã hội của huyện đã có những bước chuyển khá mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn cũng như nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.

Nông dân huyện Bác Ái thu hoạch đậu xanh.

Với quyết tâm vượt lên trong gian khó, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, huyện đã tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đầu tư cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: Đẩy mạnh công tác khuyến nông; chuyển giao khoa học-kỹ thuật trong sản xuất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thay thế phương thức du canh, du cư bằng thực hiện thâm canh, luân canh; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống thủy lợi...Đến nay, Bác Ái tự hào trước những thành quả đã gặt hái được, đáng kể đến nhất là thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, vốn lâu nay còn trong suy nghĩ của nông dân. Không còn những tháng ngày đợi nước trời, “chọc lỗ, trỉa hạt”, sống dựa vào nương rẫy, ngày nay nông dân đã chủ động lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu địa phương, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản. Những mô hình sản xuất mới, hiện đại đang dần phủ xanh những khoảng đất, đồi trọc, bạc màu. Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 11 ngàn ha, đàn gia súc đạt gần 81 ngàn con. Nhờ sự đi lên của ngành Nông nghiệp địa phương mà thu nhập của bà con được nâng lên, qua đó, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 34,24%, vượt 1,06% so với kế hoạch.

Huyện Bác Ái chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Về Bác Ái hôm nay là những cung đường khang trang, rộng rãi. Có thể nói, tuyến Quốc lộ 27B, Tỉnh lộ 705, 707 hay những trục đường liên thôn, liên xã đưa vào hoạt động đã kết nối huyện miền núi với địa phương khác trong và ngoài tỉnh, tạo cầu nối thông thương hàng hóa, giao thoa văn hóa, nhờ đó tạo động lực cho địa phương phát triển hơn nữa. Ngoài sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển giao thông, huyện còn triển khai thực hiện xây dựng hạ tầng phục vụ dân sinh, giáo dục, y tế, văn hóa. Toàn huyện hiện có 90% dân cư sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cơ sở vật chất trường học và trang thiết bị được trang bị đầy đủ, nhờ đó tình trạng học sinh bỏ học giảm xuống đáng kể, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt 97%; có 24/38 thôn đạt chuẩn thôn văn hóa. Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Trong năm 2019, tình hình kinh tế-xã hội của huyện đạt nhiều kết quả khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2018. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 53,4%; công nghiệp, xây dựng chiếm 17,2%; thương mại-dịch vụ chiếm 29,4%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 9,4 tỷ đồng, đạt 102,7% kế hoạch.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

 

Cảnh đẹp thác Chapơ, xã Phước Tân (Bác Ái). Ảnh: D.A

Sinh ra và trưởng thành nhờ rừng núi bảo bọc, người dân Bác Ái xem bảo vệ rừng như bảo vệ những giá trị sống cốt lõi của đồng bào dân tộc Raglai nên những năm qua bà con mạnh dạn nhận khoán bảo vệ rừng, trồng mới rừng cũng như ngăn chặn những hành vi xâm chiếm, chặt phá rừng trái phép. Nhờ màu xanh bạt ngàn ấy được bảo tồn đã biến tiềm năng này thành cơ hội để địa phương phát triển ngành Du lịch. Với vẻ hoang sơ của các điểm đến như: Vườn Quốc gia Phước Bình, thác Chapơ, Suối Lạnh...cùng với việc địa phương lồng ghép vẻ đẹp, giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai đã tạo cho du lịch huyện nhà nét đặc trưng riêng khó hòa lẫn, qua đó thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và trải nghiệm. Được biết, nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện Bác Ái đang triển khai xây dựng 15 homestay kết hợp với du lịch sinh thái vườn Quốc gia Phước Bình, dự kiến đưa vào hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Đây được xem là động lực cất cách cho ngành công nghiệp không khói của địa phương đi xa hơn trong tương lai.

Cùng với đó, trong những năm qua, với lợi thế diện tích đất tự nhiên rộng cùng lực lượng lao động trẻ dồi dào, nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn Bác Ái là điểm dừng chân lý tưởng để phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trong đó có thể kể đến Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân Solar (xã Phước Trung); Công ty TNHH Công nghệ cao Ninh Thuận Agritech (xã Phước Tiến)... Dựa trên nền tảng này, trong những năm tới, huyện tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư tập trung vào ngành, lĩnh vực như: Công nghệ hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, công nghệ hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch... qua đó tạo việc làm ổn định cho người dân cũng như đưa diện mạo địa phương ngày một đi lên.

Trong không khí mừng Xuân mới năm 2020, huyện miền núi Bác Ái hứa hẹn tiếp tục vững vàng chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày một văn minh, giàu đẹp.