Hỏi: Thế nào người có chức vụ, quyền hạn ?
Trả lời: Khoản 2, Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng quy định: người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
Cán bộ, công chức, viên chức;
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Hỏi: Thế nào là nhũng nhiễu, vụ lợi ?
Trả lời: Khoản 6, Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng quy định: nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Khoản 7, Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng quy định: vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.
Hỏi: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng?
Trả lời: Điều 5 Luật phòng, chống tham nhũng quy định: Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.
Hỏi: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện các nguyên tắc và nội dung công khai, minh bạch nào trong Luật phòng chống tham nhũng?
Trả lời: Điều 9 Luật phòng, chống tham nhũng quy định về nguyên tắc và nội dung công khai, minh bạch như sau:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo trình tự, thủ tục do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quy định và phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 10, Luật phòng, chống tham nhũng quy định về nội dung công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm các nội dung sau đây: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân; Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác ngoài nội dung công khai, minh bạch quy định tại nội dung nêu trên còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.
Hỏi: Các hình thức công khai theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng
Trả lời: Theo quy định của Điều 11 về hình thức công khai bao gồm:
Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; Phát hành ấn phẩm; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; Tổ chức họp báo; Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.
Trường hợp luật khác không quy định về hình thức công khai thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện một hoặc một số hình thức công khai quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 11. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thực hiện thêm hình thức công khai quy định tại điểm a và điểm h khoản 1 Điều 11.
Hỏi: Quyền yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng?
Trả lời: Quy định tại Điều 14 Quyền yêu cầu cung cấp thông tin của Luật phòng chống tham nhũng như sau:
Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị được yêu cầu phải cung cấp thông tin, trừ trường hợp nội dung thông tin đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, được phát hành ấn phẩm hoặc được niêm yết công khai; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức đã yêu cầu và nêu rõ lý do.
Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
Việc cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang công tác, làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định của pháp luật có liên quan.
Khả Minh