Thứ nhất, mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập được mở rộng bao gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thứ hai, bổ sung một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai.
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.Theo đó, ngoài việc phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây (nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật), Luật mới quy định bổ sung tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; đồng thời, các đối tượng kê khai phải kê khai tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Thứ ba, quy định cụ thể về phương thức, thời điểm kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung quy định về kê khai bổ sung
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 36 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đồng thời, Khoản 2 Điều 36 quy định kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên.
Thứ tư, quy định cụ thể việc công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Luật cũng quy định cụ thể việc công khai đối với Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
Thứ năm, quy định cụ thể hơn về việc xử lý đối với trường hợp kê khai không trung thực.
Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, ngoài việc kế thừa quy định xử lý đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực; Luật mới quy định người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp nêu trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.
Thứ sáu, Luật quy định một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hoá và đề cao vai trò người đứng đầu
Nội dung này được quy định cụ thể tại Chương IV gồm các điều từ Điều 70 đến Điều 73, quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Thứ bảy, Luật quy định một chương riêng về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Nội dung này được quy định cụ thể tại Chương VI gồm các điều từ Điều 78 đến Điều 82, bao gồm các quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng; áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Thanh Thủy