Trả lời: Luật Tố cáo năm 2018 (Luật số 25/2018/QH14) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12-6-2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Theo Điều 25 của Luật này, thì việc tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với thông tin có nội dung tố cáo được quy định cụ thể như sau:
- Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo (tố cáo nặc danh) hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo (tố cáo mạo danh) hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 (của Luật Tố cáo năm 2018) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.
- Trong trường hợp, thông tin có nội dung tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Nhiều bạn đọc trong tỉnh hỏi: Theo quy định có mấy hình thức tố cáo?
Trả lời: Theo Luật Tố cáo năm 2018, tại Điều 22 quy định: Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Và như vậy, theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018, vẫn chỉ tiếp tục duy trì 2 hình thức tố cáo chính thức, đó là “tố cáo bằng đơn” hoặc “tố cáo trực tiếp”. Việc quy định cụ thể 2 hình thức tố cáo nói trên là nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo khác để tố cáo tràn lan, vượt cấp, cố ý tố cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người tố cáo; đồng thời đảm bảo tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết và xử lý thông tin,...
Khả Minh