Thiết bị đạt chuẩn của hai đơn vị cung cấp
Theo lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên phải lắp trước ngày 1-7-2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1-1- 2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1- 4-2020. Qua tuyên truyền vận động của Chi cục TS, toàn tỉnh đã có 36 tàu lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đặc biệt là toàn bộ tàu có chiều dài từ 24 m trở lên, dù thời hạn khẩn cấp, song đã kịp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, đối với số tàu cá dài từ 15m đến dưới 24m ở tỉnh ta, hiện vẫn có ngư dân còn băn khoăn về chuẩn thiết bị lắp đặt. Thực ra, chúng tôi được biết từ ngày 9-9-2019, Tổng cục TS có Thông báo số 2001/TB-TCTS-TTTS công nhận thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá có thương hiệu Thuraya SF2500 của VNPT VinaPhone (Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông); ngày 9-10 tiếp tục có Thông báo số 2245/TB-TCTS-TTTS chính thức công nhận thiết bị giám sát hành trình tàu cá Vifish.18 của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL). Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục TS tỉnh xác nhận: “Hiện tại chỉ có 2 đơn vị trên là cung cấp thiết bị đạt chuẩn, đã kết nối, đồng bộ được với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá tại Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá của Tổng cục TS, đáp ứng đầy đủ theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP, ngư dân khi lắp đặt nên liên hệ với Chi cục để được hướng dẫn cụ thể”.
Băn khoăn của chủ tàu cá đã có giải đáp
Theo ghi nhận, đến đầu tháng 10, sau thời điểm Tổng cục TS công nhận thiết bị của VNPT đủ điều kiện, Chi cục TS tỉnh liền thông báo ngư dân biết, đồng thời cung cấp danh sách tàu cá bắt buộc phải lắp đặt thiết bị hành trình cho Trung tâm Kinh doanh VNPT-Ninh Thuận. Bước đầu triển khai, Trung tâm phối hợp với Chi cục TS tiến hành lắp ráp thiết bị Thuraya SF2500 trên 4 tàu cá của 3 ngư dân. Cụ thể là tàu lưới vây 845 CV (vỏ dài 24m) của anh Trương Hiền Lương ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải (Ninh Hải), tàu lưới rê 800 CV (vỏ composite dài 22,5m) của anh Trịnh Xuân Hải, Tân Thành, phường Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) và 2 tàu câu, pha xúc 400 CV (vỏ dài 15m và 15,2 m) của anh Nguyễn Thanh Xuân, thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm (Thuận Nam). Theo các anh Lương và Xuân, qua thiết bị kết nối, họ có thể theo dõi trực tuyến hành trình tàu cá giữa biển với đất liền thông qua điện thoại di động, máy tính bảng…có kết nối mạng internet. Điều băn khoăn của 2 anh là hiện có hàng chục tàu ham giá rẻ, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá của Viettel và thương hiệu khác (Tổng cục TS chưa công nhận đạt chuẩn). Anh Xuân đề xuất: “Tôi mong Chi cục TS tỉnh cần tăng cường thông tin hướng dẫn để chủ tàu nhận thức rõ về thiết bị đạt chuẩn và đơn vị cung cấp”.
Ngoài 3 ngư dân trên, theo anh Hồ Văn Minh Chí, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT-Ninh Thuận, qua tiếp xúc, hầu hết các chủ tàu đều có suy nghĩ là đợi khi nào Chi cục TS giục mạnh mới tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Nguyên nhân là với mức giá trọn gói trên 36 triệu đồng lắp đặt thiết bị Thuraya SF2500, lại mỗi năm còn phải trả 8 triệu đồng tiền thuê bao dịch vụ từ nhà mạng nên các chủ tàu cá đều phân vân. Tuy nhiên, theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP, ngày 16-5-2019 của Chính phủ “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản”, với mức xử phạt từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng đối với tàu cá từ 15m đến dưới 24 m, 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với tàu cá từ 24m trở lên về vi phạm không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nếu thử so sánh, cân nhắc lợi hại, rõ ràng giá lắp đặt trên không là bao. Vì vậy ngành TS khuyến khích bà con ngư dân nên thực hiện, việc lắp đặt thiết bị Thuraya SF2500 của VNPT và Vifish.18 của VISHIPEL sẽ giúp chủ tàu tự động cập nhật tọa độ hoạt động của tàu cá qua tin nhắn với tần suất 2 giờ/lần, có tính năng cảnh báo cho thuyền trưởng khi tàu vượt qua ranh giới cho phép trên biển với độ chính xác tin cậy 99%.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là một trong những khuyến nghị của EC (Ủy ban Châu Âu) về IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định) nên rất cần sự tuân thủ của ngư dân nhằm gỡ “thẻ vàng” cho nước ta về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Theo ông Đặng Văn Tín, với tiến độ đang thực hiện, tỉnh ta quyết tâm hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên số tàu cá khai thác xa bờ nói trên. Tuy nhiên để đúng lộ trình, thiết nghĩ, chính quyền tỉnh cũng cần xem xét kiến nghị của ngư dân, có chính sách hỗ trợ ngư dân trong việc lắp đặt và tính phí dịch vụ thuê bao của nhà mạng.
Bạch Thương