Vụ mùa năm nào cũng vậy, do thời tiết mưa nắng đan xen, nên dễ phát sinh dịch bệnh. Thế nhưng năm nay, tại các vùng trọng điểm trồng lúa ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải, chưa xuất hiện các bệnh thường gặp trong vụ mùa như bạc lá, khô vằn, cháy rầy, nạn “lúa ma” mọc chen lấn cũng được khống chế. Anh Nguyễn Văn Trưởng, ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải, (Ninh Hải), cho biết: Nông dân hiện nay đã tiến bộ hơn, tích cực tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, sử dụng giống xác nhận, thực hiện chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật, nên đảm bảo lúa phát triển tốt. Đặc biệt, 2.320 ha lúa sản xuất theo mô hình “1 phải 5 giảm” phát triển tốt, chưa thấy dấu hiệu của sâu bệnh. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), từ đầu vụ đến nay điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, nông dân trên toàn tỉnh tích cực ra đồng chăm sóc lúa, với niềm tin thu được nhiều thắng lợi.
Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) chăm sóc lúa vụ mùa 2019. Ảnh: A.T
Tình hình chung là khả quan, tuy nhiên ở một số nơi do bà con không chú trọng vệ sinh đồng ruộng theo khuyến cáo của ngành chức năng, nên lúa của một số hộ đã xuất hiện sâu bệnh. Cụ thể, sâu đục thân gây hại 8 ha (tỷ lệ 3-10%) ở huyện Ninh Phước và Ninh Sơn. Bệnh đạo ôn lá gây hại 36 ha (tỷ lệ 5-9%) tại huyện Ninh Sơn và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Bệnh lem lép hạt gây hại 4 ha trà lúa sớm gieo vào giữa tháng 8 (tỷ lệ 5-7%) tại huyện Ninh Phước. Nhờ có sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, các hộ đã khoanh vùng, phun thuốc diệt trừ, không để lây lan ra diện rộng. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, cho biết: Tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng trong tuần qua (từ ngày 28-10 đến 3-11) ở mức độ thấp, đã khống chế được. Những vùng bị thiệt hại sau khi phun thuốc trừ sâu bà con bón thêm phân cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng nhanh chóng phục hồi, phát triển. Nỗi lo lớn nhất trong vụ mùa là đến giai đoạn lúa trỗ đòng thường hứng chịu gió Bấc thổi mạnh, ngập úng. Chủ động ứng phó với mưa lũ, ngay từ đầu vụ đơn vị đã đề nghị các huyện chỉ đạo bà con tổ chức nạo vét kênh mương thoát nước, nhằm hạn chế thiệt hại trong trường hợp có lũ lụt.
Nông dân Ninh Sơn đầu tư phát triển diện tích trồng cây bắp lai, mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh khuyến cáo bà con tiếp tục theo dõi sâu đục thân, bệnh đạo ôn được dự báo sẽ phát triển gây hại nhẹ trên cây lúa ở thời gian tới, thì ngành chức năng, các địa phương đang tập trung hỗ trợ nông dân chăm sóc cây trồng cạn sử dụng ít nước, coi đây nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay, sâu keo mùa thu trên cây bắp, bệnh khảm lá sắn tiếp tục tái phát ở vụ này đúng như dự báo của ngành chức năng. Tại huyện Thuận Bắc, sâu keo mùa thu gây hại 3 ha bắp (tỷ lệ 2-8%); bệnh khảm lá sắn gây hại 233 ha (tỷ lệ 30-70%), phân bố ở huyện Ninh Sơn và Bác Ái.
Để ngăn chặn sâu keo bùng phát, Chi cục TT&BVTV đã cử cán bộ về các xã hướng dẫn nông dân sử dụng bẫy diệt sâu trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun thuốc trừ sâu non. Đối với những khu vực bắp chưa nhiễm bệnh, ngành chức năng chú trọng hướng dẫn nông dân cách nhận diện đặc điểm hình thái và triệu chứng gây hại trên đồng ruộng nhằm chủ động điều tra, phát hiện và triển khai phòng trừ. Riêng đối với công tác phòng, chống bệnh khảm lá sắn, Chi cục TT&BVTT đã thông báo rộng rãi cho bà con chủ động đề phòng; đồng thời, đề nghị các địa phương nghiêm cấm nông dân xuống giống mì HSL11, KM419; theo dõi sát diện tích và mức độ nhiễm bệnh, tiêu hủy cây mì ở những vùng bị bệnh nặng để tránh lây lan sang các khu vực khác.
Với sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng, các địa phương trong hỗ trợ nông dân chăm sóc cây trồng, tin tưởng sản xuất vụ mùa sẽ thu được nhiều kết quả.
Anh Tùng