Có thể khẳng định, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 09- NQ/TU của Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 12-CTr/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Phước về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, nhìn chung kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã An Hải có những chuyển biến rõ rệt. Diện mạo nông thôn thêm khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
An Hải là xã đồng bằng, bãi ngang ven biển của huyện Ninh Phước; đời sống của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và dịch vụ- thương mại. Toàn xã có 7 thôn, với 4.956 hộ/17.821 nhân khẩu. Trước đây sản xuất nông nghiệp ở địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ; thu nhập của người dân bấp bênh nên đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Vì vậy, sau khi có Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, Đảng ủy xã An Hải đã ban hành Chương trình hành động số 02-CTr/ĐU, xác định cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã, Mặt trận và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức trong nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ cụ thể và giải pháp trọng tâm trong phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước gắn sản xuất với quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân…
Nông dân xã An Hải đầu tư trồng măng tây xanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ
Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế, đảm bảo chất lượng và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương như: Lúa, nho, táo và các loại cây trồng khác. Chú trọng phát triển sản xuất gắn với tăng năng suất, chất lượng, an toàn sản phẩm nông sản và tối đa hóa lợi nhuận cho nông dân. Để nâng cao thu nhập cho nông dân, UBND xã đã tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế như mô hình tưới nước tiết kiệm 230 ha ở các thôn, với 469 nông hộ tham gia; mô hình trồng rau an toàn 286,4 ha, với 734 nông hộ tham gia. Đặc biệt xã đã tập trung xây dựng cánh đồng lớn trồng măng tây xanh giống mới có chất lượng trên 20 ha tại thôn Tuấn Tú, với 36 nông hộ tham gia và hình thành một trang trại hữu cơ nông nghiệp công nghệ cao với 18ha, đến nay đã đi vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về chăn nuôi, toàn xã phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, khuyến khích nông dân đầu tư trang trại vừa và nhỏ, chăn nuôi sinh sản và vỗ béo gia súc đảm bảo hài hòa, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng con giống và sản phẩm; tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch bệnh và môi trường trong chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn gia súc của địa phương có 32.284 con đạt 185,9%; gia cầm có 71.700 con, đạt 113,45% so với kế hoạch đề ra. Là xã có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, thời gian qua đã tập trung đẩy mạnh và khai thác theo quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, chất lượng cao, gắn với nuôi trồng và sản xuất tôm thương phẩm. Trong những năm qua sản lượng tôm Post đạt 26.329 triệu con, bằng 111,1% kế hoạch; diện tích nuôi tôm thương phẩm trên 490 ha, đạt trên 100 % kế hoạch đề ra... Đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp của địa phương (giai đoạn 2016-2018) đạt 13,94%, vượt 4,81% so với chỉ tiêu đề ra. Tỷ trọng ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chiếm 64,62 %; trong đó trồng trọt, chăn nuôi chiếm 28,11 %, nuôi trồng thủy sản chiếm 36,51 %; tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ chiếm 35,38%.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, xã An Hải vẫn còn một số khó khăn nhất định trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy. Đây là những trăn trở để cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đề ra những nhiệm vụ và giải pháp bứt phá, vươn lên trong thời gian tới. Theo đồng chí Trần Xuân Phong, Bí thư Đảng ủy xã An Hải, để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra, Đảng ủy xã tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhất là quy hoạch lại các vùng và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho phù hợp với tình hình thổ nhưỡng của địa phương gắn với quy hoạch phát triển nông thôn mới. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của các cấp để xây dựng kết cấu hạ tầng thật vững chắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng vững mạnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Chú trọng nhân rộng các mô hình tổ nuôi tôm cộng đồng, mô hình rau sạch trong nhà kính, mô hình tưới nước tiết kiệm và các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững....
Nhật Nguyên