Kết quả ấn tượng
Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng. Từ dấu ấn 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa năm 2016, đến năm 2018 các con số này đã tăng lên đáng kể, lần lượt là 15,6 triệu và 80 triệu. Tổng thu từ khách du lịch năm 2018 đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp du lịch Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới. Cũng năm này, lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới-World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2018.
Trong 9 tháng năm 2018, tổng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 12,8 triệu lượt, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018. Khách du lịch nội địa đạt 66 triệu lượt, trong đó có 33,7 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 504.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh những con số ấn tượng trên, du lịch Việt Nam còn nhận được sự ghi nhận của thế giới thông qua những giải thưởng khu vực và quốc tế. Cụ thể, tại lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 (World Travel Awards-WTA) dành cho khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2019 (tối 12-10-2019 tại đảo Phú Quốc), Việt Nam đã được xướng tên ở 4 hạng mục giải thưởng gồm: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019: Hội An. Đây là năm thứ hai liên tiếp du lịch Việt Nam đạt được danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á.
Vừa qua, Việt Nam tiếp tục được Tạp chí du lịch danh tiếng Conde Nast Traveler xếp vào danh sách 20 quốc gia nên đến du ngoạn nhất trong năm 2020. Để đưa ra danh sách top 20 này, Conde Nast Traveller đã thăm dò ý kiến của hơn 600.000 độc giả về các điểm đến, hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng và dịch vụ tại các nước. Việc Việt Nam lọt vào top 20 cho thấy sự đánh giá cao của du khách với các dịch vụ du lịch của Việt Nam.
Phấn đấu đạt 30-32 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025
Để có được kết quả ấn tượng trên, bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn, phải kể đến sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự nỗ lực của toàn ngành trong suốt thời gian qua.
Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều chủ chương, chính sách, chiến lược nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về du lịch, Luật Du lịch... Cùng với đó, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến du lịch như Pháp lệnh xuất, nhập cảnh, cư trú, đi lại cho người Việt Nam, cho người nước ngoài và các văn bản liên quan khác được bổ sung; thủ tục hải quan được cải tiến thuận tiện hơn. Việc miễn visa cho công dân các nước cũng là giải pháp chủ động, tích cực để thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư.
Đặc biệt, ngày 16-1-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhằm đưa Việt Nam vào nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu. Tiếp đó, ngày 5-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 là quốc gia có ngành Du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á, đón và phục vụ 30-32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa, với tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD; Giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD; Ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP và tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp, với 70% được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng du lịch.
Thực hiện mục tiêu này, ngày càng nhiều địa phương, như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… tăng cường quản lý điểm đến, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn và vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và góp phần cùng cả nước phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng du lịch cũng được chú trọng đầu tư và có bước phát triển tích cực. Nhiều tập đoàn, công ty, nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế đã tăng cường đầu tư xây dựng những khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch cao cấp, trực tiếp góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong 9 tháng của năm 2019, đã có 29 cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao được công nhận mới. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đạt 29.000 cơ sở với trên 590.000 buồng.
Đồng thời, công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, công tác quản lý, hướng dẫn và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch được thực hiện nghiêm túc. Tính đến hết tháng 9-2019, cả nước có 2.477 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó 914 doanh nghiệp cổ phần, 27 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 1.536 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân...
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Để du lịch Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả, theo các chuyên gia, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là điều vô cùng quan trọng. Theo đó, cần nghiên cứu xu hướng nhu cầu của du khách để tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng đúng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ các khu, tuyến, điểm du lịch; khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù...
Đi đôi với việc nâng cao năng lực cạnh tranh là đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch; phối hợp các hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng với các địa phương để du lịch thực sự trở thành một hoạt động thông suốt, có tính cạnh tranh cao hơn. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa vào đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường trong khi khai thác, phát triển du lịch.
Theo TTXVN