Theo phân tích của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, trong tổng nguồn vốn huy động kể trên thì tiền gửi tiết kiệm từ dân cư đạt tỷ lệ cao nhất với 10.610 tỷ đồng, chiếm 71,21% trong tổng nguồn vốn huy động, tăng 1.806 tỷ đồng so với cùng kỳ và tăng 16,94% so với cuối năm 2018. Tiếp đến là tiền gửi thanh toán đạt 3.970 tỷ đồng, chiếm 26,64%, tăng 401 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động này đã tạo thêm nguồn lực để các NH đầu tư hiệu quả vào nhiều dự án, chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Trong 9 tháng qua, tổng doanh số mà các NH đã cho vay đạt khoảng 25.700 tỷ đồng, tăng 3.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó cho vay ngắn hạn đạt 20.450 tỷ đồng, chiếm 79,57%; cho vay trung và dài hạn đạt 5.250 tỷ đồng, chiếm 20,42%. Kết quả trên đã góp phần đưa tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đến thời điểm 30-9-2019 đạt 23.550 tỷ đồng, tăng 3.347 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 16,57%) so với cùng kỳ.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: VM
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các NH chủ động điều hòa lượng tiền đầy đủ cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định về an toàn kho quỹ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định về lãi suất huy động và cho vay. Cụ thể, đối với lãi suất huy động bằng VNĐ không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất ở mức từ 0,20%-1,00%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất từ 4,45%-5,00%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất từ 5,30%-5,90%/năm; tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất từ 5,50%-7,20%/năm. Đối với lãi suất cho vay bằng VNĐ, các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức từ 6,6%-9%/năm; cho vay trung, dài hạn ở mức 9,20%-12,00%/năm và cho vay bằng USD (chủ yếu cho vay ngắn hạn) ở mức 3,5%-3,8%/năm. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo sự chỉ đạo của ngành NH, từ đầu năm đến nay các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng 258 hợp đồng với số tiền trên 109,9 tỷ đồng; xem xét miễn, giảm lãi vay 128 hợp đồng với số lãi được miễn giảm 13,49 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay trong 9 tháng năm nay tập trung chủ yếu vào các ngành: Nông nghiệp - Thủy sản đạt 5.610 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,82% trong tổng dư nợ, tăng 482 tỷ đồng so với cùng kỳ; Công nghiệp - Xây dựng đạt 4.350 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,47%, tăng 1.131 tỷ đồng so với cùng kỳ; Thương mại, dịch vụ và hoạt động phục vụ cá nhân cộng đồng đạt 13.590 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57,71% trong tổng dư nợ, tăng 1.734 tỷ đồng so với cùng kỳ và tăng 1.566 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Không chỉ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, các NH còn đẩy mạnh cho vay vào các chương trình, lĩnh vực ưu tiên theo cơ chế chính sách của Chính phủ như: Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2017/NĐ-CP đạt 9.260 tỷ đồng/42.630 khách hàng, tăng 15,8%; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 68/20113/QĐ-TTg đạt 109,635 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 720 tỷ đồng, tăng 109 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 3.495 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo theo các chương trình của NHCSXH đạt 480 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ 15 chương trình đến 30-9-2019 đạt 2.129 tỷ đồng, tăng 135 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước...
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân cho người dân tại Điểm giao dịch Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: V.Nỷ
Bám sát tinh thần chỉ đạo của ngành NH và UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm, NHNN tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, giám sát các TCTD thực hiện nghiêm túc quy định và chỉ đạo của NHNN Việt Nam về lãi suất huy động và cho vay; mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12-3-2019 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 21-9-2017; Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội; Kế hoạch cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu năm 2019 đối với các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.
Ngoài các giải pháp kể trên, đơn vị còn triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 2-7-2018 của UBND tỉnh về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Kế hoạch 2726/KH-UBND về triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua NH; tổ chức hội nghị kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp theo chiều sâu gắn với triển khai các cơ chế chính sách, tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm và có thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường tiền tệ, hoạt động NH và công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa ngành NH và các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và NH, đảm bảo hoạt động của các NH trên địa bàn an toàn, ổn định và tăng tưởng, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Văn Thanh