Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định nhu cầu về năng lượng của Việt Nam, đặc biệt là điện năng trong giai đoạn 2020-2030 là rất lớn, trong khi nguồn cung ứng năng lượng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa; thị trường năng lượng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng thế giới. Để đối mặt với tình trạng này, việc phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu, nhằm đảm bảo đa dạng hóa nguồn cung ứng năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu. Nhìn nhận được vấn đề này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Qua tham quan thực tế các dự án năng lương tái tạo ở địa phương, Đoàn công tác rất ấn tượng với mô hình điện gió kết hợp với điện mặt trời ở Ninh Thuận.
Đồng chí Nguyễn Minh Trứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi tọa đàm.
Đề cập đến lĩnh vực phát triển năng lượng, đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, thời gian qua Ninh Thuận được sự quan tâm và hỗ trợ của Trung ương để phát triển những ngành kinh tế lợi thế, đặc biệt là Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2018-2023 đối với tỉnh. Trong đó, chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lương tái tạo của cả nước, đã tác động mạnh đến các nhà đầu tư gấp rút triển khai đưa vào vận hành các dự án điện gió, điện mặt trời. Tuy vậy quá trình thực hiện, tỉnh gặp khó khăn về hạ tầng chuyển tải điện chưa đồng bộ, dẫn đến các dự án năng lượng đi vào hoạt động phải giảm phát công suất gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tỉnh mong muốn Trung ương hỗ trợ sớm triển khai các công trình hạ tầng tải điện trước năm 2020.
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp đánh giá cao về nỗ lực của tỉnh trong chỉ đạo các ngành, các cấp luôn đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng triển khai các dự án năng lượng. Ông Tạ Bá Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Điện gió Mũi Dinh, chia sẻ: Công ty đã gắn bó với Ninh Thuận 10 năm, theo đuổi thực hiện Dự án điện gió Mũi Dinh, đến nay đã đi vào hoạt động được 4 tháng, hiệu quả cao, phát 40.000 MW điện. Tuy vậy, do hạn chế về giảm phát công suất, nên công ty mất 5.000 MW điện, thiệt hại lớn cho tỉnh và doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Ninh Thuận đang phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Thực tế, tỉnh đang biến bất lợi thành lợi thế, sau khi tạm dừng Dự án điện hạt nhân, Trung ương đã tạo điều kiện cho tỉnh phát triển. Trên đường xây dựng quê hương, Ninh Thuận đón nhiều nhà đầu tư hàng đầu cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh bằng những con số ấn tượng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Nhiều doanh nghiệp biết chia sẻ lợi ích cho người dân, tham gia tích cực vào công tác đảm bảo an sinh xã hội cho cư dân trong vùng, đặc biệt là hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo ổn định cuộc sống. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương kiến nghị với Ban Bí thư, Bộ Chính trị có chính sách khơi thông những điểm nghẽn để các nhà đầu tư có điểm tựa, gắn bó lâu dài với Ninh Thuận trên con đường phát triển.
Anh Tùng