Xuất hiện đàn lợn bị dịch tả Châu Phi
Ngày 28-8-2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp nhận thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Sơn, hộ ông Đỗ Tấn Đức, khu phố 1, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) có lợn bệnh đã qua điều trị nhưng không khỏi, chết rải rác. Qua xác minh và thông tin, theo khai báo từ chủ hộ, ngày 17-8, chủ hộ phát hiện có 2 con lợn nái xuất hiện triệu chứng như sốt, bỏ ăn. Chủ hộ tự điều trị nhưng không khỏi. Đến ngày 20-8, 2 lợn nái trên bị chết, khi chết xuất hiện thêm các triệu chứng như xuất huyết dưới da, hộc máu mũi, miệng. Từ ngày 21 đến 27-8, lợn tiếp tục chết rải rác và được chủ trại chôn trong khu vực đất của trại. Đến ngày 28-8, chủ trại báo cho Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Sơn về tình hình dịch bệnh.
Lực lượng Thú y tiến hành lấy mẫu kiểm soát dịch bệnh tại hộ ông Đỗ Tấn Đức.
Nhận được thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp lấy mẫu gửi Chi cục Thú y Vùng VI xét nghiệm. Ngày 29-8, Chi cục Thú y vùng VI thông báo kết quả dương tính với bệnh DTLCP. Tại thời điểm kiểm tra (ngày 29-8), tổng đàn lợn của trại là 354 con được nuôi trong 2 khu chuồng: khu chuồng thứ nhất có 157 con (gồm 30 lợn nái, 1 lợn nọc, 126 lợn cai sữa) và khu chuồng thứ 2 bên cạnh gồm 197 lợn thịt (trong đó lợn trên 70kg là 100 con, lợn dưới 70 kg là 97 con).
Ông Đỗ Tấn Đức cho biết: Ngày 15-8, gia đình có bán 30 con lợn thịt cho thương lái về lò mổ trên địa bàn huyện Ninh Sơn và thương lái đã dùng xe tải và nhân công của lò mổ đã vào trại để bắt lợn. Hai ngày sau, đàn lợn của trại phát bệnh, nên nhiều khả năng bị lây bệnh do mình chủ quan chưa thực hiện triệt để các biện pháp an toàn sinh học và kiểm soát vật chủ trung gian mang mầm bệnh vào trại.
Sau khi có thông báo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Ninh Sơn, UBND thị trấn Tân Sơn để thống nhất triển khai thực hiện các biện phảp xử lý ổ bệnh DTLCP tại họ ông Đỗ Tấn Đức. Theo đó, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn chết, nhiễm bệnh theo quy định. Ngày 29 và 30-8, đã tiêu hủy 15 con lợn của hộ ông Đức (13 lợn nái và 2 con mới cai sữa) với tổng trọng lượng là 4.276 kg, số lợn này nằm trong cùng 1 dãy chuồng thuộc khu nuôi có lợn chết có kết quả xét nghiệm dương tính, bằng phương pháp chôn tại khu đất rừng bên cạnh. Tổng đàn hiện còn lại là 339 con hiện vẫn bình thường (17 lợn nái, 1 con lợn nọc, 124 lợn con theo mẹ và cai sữa và 197 con lợn thịt).
Chiều 30-8, tại trại nuôi của hộ ông Nguyễn Kế Đăng Trường, kế bên trại của ông Đức cũng có biểu hiện bệnh tương tự và chết với số lượng 13 con, trọng lượng 282 kg. Lực lượng chức năng cũng đã tiếp tục tiêu hủy lợn số lợn bị chết của hộ ông Nguyễn Kế Đăng Trường. Như vậy, đến ngày 30-8, tổng cộng đã tiêu huy 25 con lợn của 2 hộ, với tổng trọng lượng 1.122 kg. Việc xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh được thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Khẩn trương các biện pháp xử lý ổ dịch
Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, lực lượng chức năng và UBND huyện Ninh Sơn đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch theo quy đinh. Thực hiện tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi hộ có lợn bệnh, hố chôn lợn bệnh và cắm biển báo và giăng dây cảnh báo nơi chôn lấp động vật mắc bệnh và tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng tại thị trấn Tân Sơn.
Cử cán bộ theo dõi, giám sát diễn biến dịch bệnh tại hộ có lợn bị bệnh, các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn thị trấn Tân Sơn và các xã xung quanh, vùng có nguy cơ và vùng đệm.
Theo ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong thời gian tới lực lượng chức năng và địa phương tiếp tục tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP. Thành lập các chốt kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn; thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dich, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm ra bên ngoài. Tổ chức kiểm soát, không để vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dich vùng bị dich uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan Thú y. Tổ chức thường xuyên việc tiêu độc khử trùng. Cụ thể, đối với thị trấn Tân Sơn, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Đối với các xã vùng bị dịch uy hiếp là các xã tiếp giáp với thịt trấn Tân Sơn, như xã Lương Sơn, Quảng Sơn và Hòa Sơn, thực hiện việc tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.
Đối với các xã vùng đệm, tiếp giáp vùng bị uy hiếp gồm xã Lâm Sơn, Mỹ Sơn, thực hiện việc tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dich. Bên cạnh đó, tuyên truyền để người dân biết để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và chăn nuôi an toàn sinh học.
Anh Tuấn