BQL làm nhiệm vụ bảo vệ 5.000 ha rừng trồng và rừng tự nhiên trên địa bàn xã Phước Chiến, Phước Kháng, Công Hải (Thuận Bắc). Mặc dù diện tích rừng lớn, phân bố ở các xã vùng cao nơi có đông đồng bào Raglai sinh sống, nhưng đơn vị luôn bám sát địa bàn, phát huy tốt vai trò của cộng đồng dân cư tham gia chăm sóc, bảo vệ an toàn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tiêu biểu cho hoạt động này là ngay từ đầu năm đơn vị đã chủ động triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại 2 xã Phước Kháng và Phước Chiến, vận động 122 hộ dân trực tiếp tham gia trồng rừng, phát ranh ngăn lửa phòng chống cháy rừng. Tuân thủ phương châm bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đơn vị đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 108 hộ. Nhờ được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về hỗ trợ vốn vay phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng, nên các hộ nhận khoán bảo vệ rừng có thêm thu nhập, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng từ khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng từ trạng thái đất nương rẫy bỏ hoang, đất trống trên lâm phần.
Để nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng, ngay đầu năm đơn vị tiến hành khảo sát đất trồng rừng thay thế và phối hợp với UBND các xã tổ chức họp dân phổ biến kế hoạch cho các hộ có đất nương rẫy thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đăng ký trồng rừng. Trong quý I-2019, đơn vị chuẩn bị xong công tác gieo ươm cây con phục vụ trồng rừng, với các loại giống cây thích nghi đất đồi núi khô hạn, vừa có giá trị kinh tế như keo lá tràm, điều, gõ... Thời điểm cuối tháng 5, trên địa bàn toàn tỉnh có mưa, đơn vị tiến hành triển khai công tác chăm sóc, phát dọn thực bì, bón phân, xới, vun gốc rừng trồng đợt 1 trên diện tích 70 ha; trong đó, chăm sóc rừng năm 2, diện tích 48ha; chăm sóc rừng năm 3, diện tích 22ha. Qua kiểm tra, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống trên 85%.
Theo kế hoạch, năm 2019 BQL trồng mới 130ha; trong đó, trồng rừng phòng hộ theo hộ dân đăng ký là 87 ha cây điều; trồng rừng thay thế với diện tích 50 ha, gồm các cây bản địa như thanh thất, muồng đen, gõ mật. Hy vọng với sự triển khai quyết liệt và kịp thời của đơn bị, công tác trồng rừng, chăm sóc rừng năm 2019 sẽ đạt tỷ lệ cây sống cao, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ của rừng, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước cho hồ Sông Trâu, tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia trồng rừng, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Điểm sáng đáng kể nữa của BQL là triển khai có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản (đá chẻ xây dựng) trái phép. Thời gian gần đây, tại khoảnh 6, tiểu khu 153, xã Phước Kháng và khu vực Núi Cái, khoảnh 4,5, tiểu khu 144, xã Lợi Hải, tình trạng khai thác đá chẻ xây dựng trái phép đã gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của tỉnh, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và truy quét chống phá rừng, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với lực lượng Công an huyện, Hạt kiểm lâm huyện Thuận Bắc, Đội cơ động thuộc Chi cục kiểm lâm, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng và UBND xã tổ chức 5 đợt truy quét ngăn chặn hoạt động khai thác đá chẻ xây dựng trái phép, lập hồ sơ ban đầu chuyển ngành chức năng xử lý 3 vụ đưa công cụ cơ giới vào rừng khai thác đá chẻ. Hiện tại, đơn vị đang triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác đá chẻ trái phép. Trong đó, chú trọng xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về khoáng sản, vận động người dân ký cam kết dừng ngay việc khai thác đá trái phép.
Anh Tùng