Chúng tôi đến thăm tư gia Họa sĩ Nguyễn Công Văn cũng là “xưởng vẽ” của anh tại số nhà 27 đường Dương Quảng Hàm thuộc phường Đài Sơn, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Dừng tay cọ bên khung vẽ dang dỡ tác phẩm mới, anh cho biết: Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII miền Đông Nam bộ lần thứ 24 thu hút 287 tác phẩm tham gia của 208 tác giả thuộc 9 tỉnh trong khu vực, từ Đắc Nông đến Bà Rịa- Vũng Tàu. Ban tổ chức chọn 170 tác phẩm của 149 tác giả trưng bày và trao tặng 2 giải B (không có giải A), 1 giải C, 5 giải Khuyến khích. Tác phẩm Ramưwan chất liệu sơn dầu khổ 164x144 cm của tôi phản ảnh nghi thức tảo mộ của đồng bào Chăm Bà ni được Ban tổ chức trao giải C. Tỉnh ta có hai tác giả được Ban tổ chức triển lãm giới thiệu tác phẩm dự giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2019 là Đợi tranh sơn dầu của Họa sĩ Đỗ Châu và Du mục tranh sơn dầu của Họa sĩ Trần Xuân Mùi”.
Họa sĩ Nguyễn Công Văn quê gốc ở làng biển Tân An, thuộc xã Tri Hải (Ninh Hải). Khi còn học ở trường làng, anh đã đam mê cầm cọ vẽ cảnh non xanh nước biếc in bóng những đoàn thuyền đánh cá của vùng Đầm Nại sơn thủy hữu tình. Sau năm 1975, anh lên Phan Rang lập nghiệp chuyên vẽ quảng cáo vì cuộc mưu sinh. Khi kinh tế gia đình ổn định, anh rẽ qua sáng tác tranh nghệ thuật từ năm 2002 đến nay. Lần đầu tiên anh có tác phẩm Lễ hội Ka-tê tranh sơn dầu được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng giải C năm 2003. Đến năm 2010, Nguyễn Công Văn được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của người con làng biển Tân An. Tranh của Nguyễn Công Văn hồn hậu, sắc màu tươi mới, đằm thắm, trữ tình. Trọn một đời người lao tâm khổ tứ với nghề “cầm cọ”, anh nêu cao tinh thần tự học nỗ lực sáng tạo nghệ thuật bằng chất liệu sơn dầu. Anh gắn bó phản ảnh đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Anh có nhiều tác phẩm xuất sắc được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng thưởng qua các năm, tiêu biểu như: Lễ hội Ka tê, Bác Ái mùa thu, Đám tang Chăm Bàlamôn được lưu giữ trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Lễ cầu mưa, Lễ ăn đầu lúa mới, Lễ cắt tóc của người Chăm Bà ni… Đặc biệt tác phẩm Lễ cầu mưa chất liệu sơn dầu, khổ 163x164 cm, phản ảnh tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi được Nguyễn Công Văn sáng tác năm 2017. Tác phẩm đoạt giải A Khu vục miền Đông Nam Bộ lần thứ 22 tại Đồng Nai; Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải Nhì năm 2017. Đồng thời Lễ cầu mưa được Ban chỉ đạo cấp quốc gia về sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trao giải B năm 2018.
Họa sĩ Nguyễn Công Văn đang tập trung thời gian hoàn thành hai tác phẩm mới là gốm Chăm Bàu Trúc và nhịp sống thanh bình vùng đồng bào Chăm chuẩn bị tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực VII miền Đông Nam bộ lần thứ 25, dự kiến diễn ra vào tháng 8- 2020 tại Đắc Nông. “Sự thành công khiêm tốn của tôi hôm nay là kết quả của quá trình nỗ lực tự học, tự rèn trong nghề mỹ thuật. Với trách nhiệm của người hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Ninh Thuận, tôi chia sẻ kinh nghiệm và động viên họa sĩ trẻ trên địa bàn tỉnh chung tay xây dựng ngành hội họa địa phương ngày càng phát triển vững mạnh. Tôi tiếp tục đi và vẽ để có những tác phẩm mới tươi thắm sắc màu phản ảnh cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận giới thiệu đến công chúng yêu thích mỹ thuật trong cả nước”- Họa sĩ Nguyễn Công Văn chia sẻ niềm vui.
Sơn Ngọc