CCB Võ Văn Vũ, ở thôn Thương Diêm, xã Phước Diêm là một trong số đó. Năm 2002, ông Vũ rời đơn vị trở về địa phương. Không có việc làm, ông trăn trở, suy nghĩ và quyết định sang nhượng 1 ha đất bị nhiễm mặn để đào ao nuôi tôm thịt. May mắn, thời gian đầu, tôm phát triển tốt, không bị nhiễm bệnh cộng thêm được giá nên ông Vũ thu về khoản lợi nhuận khá cao. Thuận lợi, ông mở rộng diện tích ao đìa lên 7 ha. Doanh thu hằng năm đạt gần 8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 1 tỷ đồng. Năm 2014 nghề nuôi tôm làm ăn kém hiệu quả, ông liền chuyển sang đầu tư trang trại nuôi heo thịt với quy mô 200 đến 250 con mỗi năm. Đồng thời, ông thực hiện mô hình “Đầu tư con giống và bao tiêu sản phẩm” cho 25 hộ gia đình cựu chiến binh trên địa bàn huyện nhận nuôi khoảng 1.000 con heo thịt mỗi năm. Năm 2017, áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ sinh học với quy mô 400 con heo, 600 con gà nhằm cung cấp nguồn thịt an toàn, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng và giảm các chi phí đầu tư. Nhận thấy mô hình kinh doanh heo, gà theo hướng công nghệ sinh học cho lợi nhuận cao, có khả năng phát triển lâu dài, ông tiếp tục đầu tư thêm 2 cửa hàng kinh doanh thức ăn tổng hợp, 1 lò mổ, 4 quầy bán thịt ở 3 chợ trong huyện tạo nên một quy trình khép kín từ chăn nuôi đến tay người tiêu dùng. Lợi nhuận hằng năm thu về trên 1,5 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, tháng 4- 2018, ông Vũ lại thử sức với nghề nuôi chim yến với mức đầu tư ban đầu 1,2 tỷ đồng. Thời điểm này, những tổ yến đầu tiên đã cho thu hoạch. Ông Vũ cho biết: Bài học ông rút ra từ sự thành công của bản thân đó chính là ý chí, quyết tâm vươn lên, chịu khó học và chăm chỉ làm việc. Đứng trước bất cứ khó khăn, thách thức nào vẫn không chùn bước.
CCB Chamaléa Đới, ở xã Phước Hà là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua
“Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Có được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực tự vươn lên của mỗi CCB, một phần nhờ các cấp Hội thường xuyên động viên, khuyến khích gia đình và HV CCB chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế địa phương và nhu cầu thị trường; tạo điều kiện cho hàng trăm cán bộ, HV tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức. Đồng thời, tích cực hỗ trợ nguồn vốn để HV CCB có nền tảng phát triển. Theo đó, từ nguồn vốn quỹ hội, hằng năm, Hội CCB huyện Thuận Nam trích ra 130 triệu đồng nhằm giúp các HV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn làm ăn với mức khởi điểm từ 20 đến 50 triệu đồng. Trong 5 năm qua, Hội cũng nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền hơn 10 tỷ đồng cho 386 lượt HV CCB thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn.
Ông Lê Hải Điểu, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Thuận Nam cho biết: Hội hiện có 560 HV, sinh hoạt ở 9 cơ sở hội; tỷ lệ HV có mức thu nhập trung bình trở lên đạt gần 90%, tỷ lệ HV nghèo chỉ còn 2,3%. Đặc biệt, có 24 HV là thành viên Câu lạc bộ “Cựu chiến binh – Cựu quân nhân làm kinh tế giỏi” của tỉnh, thu nhập hằng năm từ 200 triệu đồng trở lên. Kinh tế phát triển, đời sống ổn định, nhiều HV CCB đã biết phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ những CCB còn gặp khó khăn trong cuộc sống bằng nhiều hành động thiết thực…
Ngọc Diệp