Sản xuất nông nghiệp cần linh hoạt hơn để thích ứng với thị trường

Theo dõi diễn biến sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay thì bức tranh nông nghiệp có hai gam màu sáng - tối. Có thể nhận thấy rõ, gần đây do nhu cầu sử dụng nha đam làm đẹp, chữa bệnh, chế biến nước giải khát lớn khiến cho giá mặt hàng này đang tăng cao, đạt ngưỡng 2.800 đồng/kg, tạo niềm vui phấn khởi cho nông dân.

Theo quy luật kinh tế thị trường, khi “cầu” cao hơn “cung” sẽ kích thích sản xuất phát triển. Tuy nhiên, dù nông dân rất “hít” với cây nha đam nhưng hiện nay không thể mở rộng diện tích canh tác do quỹ đất hạn hẹp. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây nha đam trên toàn tỉnh là 330 ha, tập trung chủ yếu ở phường Văn Hải, Mỹ Hải, Mỹ Bình (Tp.Phan Rang - Tháp Chàm). Hằng năm, nông dân sản xuất khoảng 1,6 triệu tấn nha đam, đáp ứng được một phần nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt - Posts ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, chế biến sản phẩm từ cây Nha Đam. Ảnh: Văn Nỷ

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh làm cho diện tích cây nha đam bị thu hẹp dần đang là nỗi lo của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt - Posts (doanh nghiệp hợp đồng với nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm nha đam). Trong hoàn cảnh bức bách ấy, ngành Nông nghiệp có động thái tích cực là hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát vùng sản xuất cây nguyên liệu tập trung. Có khoảng 30 ha đất ở xã Phước Trung (Bác Ái) thích hợp với cây nha đam, nhưng để đạt được quy mô sản xuất hàng hóa phải có thời gian triển khai mô hình thực nghiệm, đánh giá tính thích hợp của loại cây này trên vùng đất mới trước khi trồng đại trà. Về lâu dài là vậy, còn trước mắt muốn nâng cao sản lượng nha đam không gì hơn là nông dân phải đẩy mạnh áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất để tạo đột phá trong tăng năng suất.

Ở chiều ngược lại, giá mía đường niên vụ 2018 - 2019 xuống còn 700 - 800 ngàn đồng/tấn, thấp hơn vụ trước 200 ngàn đồng khiến cho nông dân ồ ạt phá mía trồng mì, dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng cây nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến. Để đảm bảo nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn đóng tại xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) hoạt động, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất mì, mía tập trung. Theo đó, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất, cân đối hài hòa diện tích cây mía 5.000 ha, cây mì 3.500 ha, tập trung chủ yếu ở xã Quảng Sơn, Hòa Sơn (Ninh Sơn). Tuy nhiên, gần đây giá mía đường biến động theo chiều hướng đi xuống, nên không khuyến khích được nông dân sản xuất. Trong khi đó, diện tích cây mì không ngừng được mở rộng, dễ dẫn đến tình trạng “cung” vượt “cầu”, nông dân đứng trước nguy cơ “được mùa mất giá”. Mặc dù ngành chức năng, các địa phương khuyến cáo bà con không tự ý trồng mì ở những nơi nằm ngoài quy hoạch, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho hay: Huyện quy hoạch ổn định vùng trồng mì 2.450 ha, nhưng niên vụ 2018-2019 tăng vọt lên 3.540 ha.

Nông dân phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thu hoạch nha đam.Ảnh: Lê Thi

Sản xuất không tuân thủ theo nhu cầu của thị trường sẽ gây thiệt hại cho nông dân do đầu ra sản phẩm hạn hẹp, giá cả hàng nông sản giảm và khó quản lý bảo vệ thực vật. Thực tế hiện nay, một số hộ đang chịu nhiều thiệt hại bởi bệnh khảm lá sắn hoành hành. Huyện Ninh Sơn không hoàn thành kế hoạch thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất mía ở xã Quảng Sơn, nay lại lo quy hoạch vùng trồng mì bị phá vỡ. Giải pháp tháo gỡ khó khăn địa phương đang thực hiện là tập trung vận động nông dân không mở rộng diện tích cây mì trong niên vụ tới; đồng thời, đề nghị Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa- Phan Rang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, ổn định vùng trồng mía.

Dù sản xuất nông nghiệp có những khó khăn nhất định, nhưng dần về những tháng cuối năm 2019 đã xuất hiện những “tia sáng”, nhất là chăn nuôi lợn có bước đột phá ngoạn mục nhờ vào nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương ngăn chặn được bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây lan vào tỉnh ta. Theo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có 39 trang trại, 182 gia trại, 10.000 hộ nuôi heo, với tổng đàn 90.340 con. Nếu như thời điểm hiện nay nhiều tỉnh thành trong cả nước phải giảm đàn heo do dịch bệnh, thì các cơ sở, hộ nuôi heo ở tỉnh ta không bị thiệt hại là điều đáng mừng. Đến nay, dịch bệnh đi qua, giá heo tăng cao, đạt gần 40.000 đồng/kg hơi, tăng 10.000 ngàn đồng so với thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra, nhiều hộ chăn nuôi thu lãi lớn. Ngành nuôi heo đang có dấu hiệu khởi sắc, khi gần đây có nhiều doanh nghiệp đến tỉnh ta đăng ký đầu tư trang trại nuôi heo. Các trang trại, gia trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng xây dựng kế hoạch tăng đàn, với kỳ vọng giá heo còn tăng ở những tháng cuối năm, nhất là “đón đầu” thị trường tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Tuy vậy, tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương không xem xét cấp phép đầu tư trang trại nuôi heo nằm ngoài quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, khuyến cáo các hộ không tăng đàn một cách ồ ạt tránh tình trạng “cung” quá “cầu”.

Có thể nói, sản xuất nông nghiệp đang linh hoạt hơn nhằm thích ứng với những biến động của thị trường nông sản. Đây là mấu chốt để ngành Nông nghiệp hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng 7- 8% trong năm 2019.