Đồng chí Nguyễn Văn Thường, Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước, cho biết: Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp người lao động nâng cao thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương, vì vậy ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách dạy nghề đến người dân, hằng năm huyện còn chỉ đạo các phòng chức năng và các xã tiến hành điều tra, khảo sát về nhu cầu học nghề của người lao động để mở các lớp học sát với thực tiễn, phù hợp với nhu cầu thị trường, như: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, may công nghiệp, xây dựng. Đồng thời, huyện kêu gọi các doanh nghiệp tuyển dụng lao động liên kết đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động về chỗ ăn ở, sinh hoạt, môi trường làm việc, chế độ chính sách phù hợp để người lao động yên tâm làm việc.
Thông qua các lớp đào tạo nghề nông dân xã Phước Thái đã áp dụng hiệu quả kỹ thuật chăn sóc đàn gia súc.Ảnh: Văn Thanh
Thông qua các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn có kiến thức áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao; triển khai các mô hình có hiệu quả, như: Mô hình trồng măng tây xanh, sản xuất rau an toàn ở xã An Hải và Phước Hải; chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo tại các xã, thị trấn; mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây nho, táo… Qua đó, giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề, huyện còn chú trọng công tác giải quyết việc làm sau đào tạo. Theo đó, đối với lao động học nghề phi nông nghiệp, huyện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm, tiếp nhận người lao động sau khi đào tạo vào làm việc. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện cho lao động tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn này, nhiều lao động đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, trồng trọt nâng cao thu nhập. Anh Bá Điền, thôn Thành Tín, xã Phước Hải, cho biết: Năm 2018, tôi tham gia lớp dạy nghề trồng trọt, từ vốn kiến thức học được đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư trồng 2 sào măng tây xanh. Nhờ đó, hiện nay mỗi ngày gia đình tôi có thu nhập khoảng 500 ngàn đồng.
Nông dân huyện Ninh Phước tiếp cận nguồn vốn, đầu tư trồng măng tây xanh để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Nỷ
Cùng với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, công tác xuất khẩu lao động cũng được huyện quan tâm triển khai kịp thời. Với chủ trương chọn thị trường phù hợp, chi phí thấp để người lao động được ký kết hợp đồng. Huyện còn phối hợp với các đơn vị tuyển dụng tổ chức hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động tại các xã, thị trấn. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho người xuất khẩu lao động, tạo điều kiện về thủ tục vay vốn. Với cách làm này, từ đầu năm đến nay, huyện Ninh Phước đã mở được 14 lớp đào tạo nghề cho 455 lao động, đạt 91% kế hoạch; giải quyết việc làm cho 2.125 lao động, đạt 75,9% kế hoạch. Trong đó, có 1.729 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, 377 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh; 19 người đi xuất khẩu lao động tại các thị trường nước ngoài.
Thực tế cho thấy, chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn mà huyện Ninh Phước đang triển khai chính là “đòn bẩy” để địa phương giảm nghèo nhanh và bền vững, người dân có việc làm ổn định, thu nhập khá, đời sống từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do chất lượng lao động còn thấp, ý thức sống xa gia đình của thanh niên hạn chế, nên tình trạng lao động tự ý bỏ việc còn diễn ra thường xuyên. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, huyện Ninh Phước chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động trong các tầng lớp nhân dân. Phối hợp với các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hội nghị tư vấn việc làm; liên kết giải quyết việc làm cho lao động đã qua đào tạo và người dân địa phương. Đồng thời, hỗ trợ vốn vay để người lao động đầu tư phát triển sản xuất, đi xuất khẩu lao động.
Tiến Mạnh