Ngày 8-3-2019, Chính phủ ban hành Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (có hiệu lực từ ngày 25-4-2019).Tại Điều 43 Nghị định 26/2019/ NĐ-CP về Quản lý hoạt động của nghề cá trên các vùng biển Việt Nam quy định: Đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng; tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m chỉ được hoạt động ở tuyến lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ; tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m hoạt động tại vùng ven bờ, không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi. Bên cạnh đó, theo Nghị định mới thì ngư dân cũng không được hoán cải, thay đổi kích thước và mua, bán tàu cá có chiều dài dưới 15 m.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu căn cứ vào chiều dài để cấp hạn ngạch khai thác thì phần lớn tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đều không đảm bảo theo quy định. Căn cứ vào hạn ngạch khai thác theo vùng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, thì những tàu cá trên 90CV nhưng không đủ chiều dài 15m lâu nay vẫn khai thác ở vùng khơi sẽ phải đánh bắt trong vùng lộng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngư dân phải bỏ tiền thay đổi hoàn toàn ngư lưới cụ cho phù hợp vùng đánh bắt. Đây là điều rất khó thực hiện, bởi không phải ngư dân nào cũng đủ điều kiện mua sắm ngư lưới cụ để chuyển vùng đánh bắt.
Có mặt tại Chi cục Thủy sản tỉnh chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều ngư dân đến đây để được tư vấn, hỗ trợ. Ngư dân Lương Tấn Tài, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) là một trong những chủ phương tiện phải thực hiện theo nghị định. Với nhiều năm làm nghề khai thác vùng khơi nhưng khi nghị định mới ra đời thì tàu của ông chỉ 14,8m nên không được cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi vào thời gian tới. Ông Tài, cho biết: Gia đình đánh bắt xa bờ nhiều năm, bây giờ quy định mới không được ra vùng khơi vì tàu thiếu 0,2 m chiều dài. Quy định như vậy là chưa đúng, tàu cá đánh vùng biển nào, nghề gì thì thực tế đã có, tàu tôi phải khai thác ở vùng lộng thì ngư lưới cụ không đảm bảo sẽ gây khó khăn cho kinh tế. Cùng chung cảnh ngộ, ngư dân Trần Ngọc Tùng, xã Phước Dinh (Thuận Nam) có tàu dài 14,5 m cũng phải nằm bờ. Anh Tùng, bức xúc: Trước đây, các chủ tàu chỉ quan tâm đến công suất mà không chú ý đến kích thước, nay buộc phải quay về vùng lộng khai thác thì rất khó khăn. Ngư dân muốn hoán cải kéo dài tàu cũng không được, sáng nay chúng tôi đến Chi cục Thủy sản tỉnh để được giải thích rõ hơn về nghị định mới này. Chúng tôi làm nghề khai thác thủy sản ngoài khơi nên ngư lưới cụ được mua sắm để phục vụ khai thác ngoài khơi, nay nghị định mới yêu cầu cấp hạn ngạch theo chiều dài nên tàu chúng tôi không đủ chiều dài. Do đó, phải khai thác ở vùng lộng thì ngư lưới cụ không đảm bảo sẽ gây khó khăn về kinh tế.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.456 chiếc với tổng công suất 452.872CV. Trong đó, tàu dưới 20CV có 827 chiếc, tàu từ 20CV trở lên 1.629 chiếc. Số lượng tàu khai thác vùng khơi 1160 chiếc, tuy nhiên chỉ có 586 chiếc có chiều dài đủ 15m đáp ứng yêu cầu theo nghị định mới. Như vậy, với gần 50% tàu cá không đủ tiêu chuẩn theo quy định sẽ chỉ được khai thác đến hết thời hạn được cấp hạn ngạch trước đó. Nếu không có những điều chỉnh bổ sung thì số tàu này sẽ nằm bờ, dự báo đời sống của ngư dân trong tỉnh thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, việc ban hành nghị định mới sẽ tạo điều kiện cho ngành chức năng quản lý tàu cá hoạt động khai thác hải sản đúng theo Luật Thủy sản 2017. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo nghị định mới sẽ tăng áp lực khai thác gần bờ. Trong khi đó, nguồn thu đánh bắt gần bờ thấp gây nên tình trạng bức xúc cho nhiều ngư dân. Mặt khác, các dịch vụ nghề cá như đóng, sửa chữa tàu thuyền bị dừng hoặc hoạt động cầm chừng đã ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp và người dân ven biển.
Như vậy, căn cứ vào hạn ngạch khai thác theo vùng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, thì những tàu cá trên 90CV nhưng không đủ chiều dài 15m lâu nay khai thác ở vùng khơi sẽ phải đánh bắt trong vùng lộng. Việc chuyển vùng đánh bắt, phạm vi đánh bắt và ngư lưới cụ không phù hợp vùng đánh bắt khiến ngư dân gặp khó khăn và nảy sinh nhiều bất cập. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần quan tâm kiến nghị để có cơ chế mở cho ngư dân.
Thanh Thịnh