Trong đó, dự kiến ngân sách Trung ương là 913,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 742 tỷ đồng, vốn viện trợ quốc tế là 79 tỷ đồng, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác là 30 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trong phạm vi cả nước, ưu tiên những địa phương có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, và trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em tập trung vào năm dự án: Dự án truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; Dự án nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Dự án xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bao gồm cơ cấu hệ thống bảo vệ trẻ em, các Trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh, Văn phòng tư vấn cấp huyện, Điểm tư vấn ở cộng đồng, trường học và thiết lập mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cấp xã; Dự án xây dựng và nhân rộng các mo hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, đặc biệt là trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật, trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và người chưa thành niên vi phạm pháp luật; Dự án nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Mục tiêu của chương trình giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,5% tổng số trẻ em; 80% trẻ em có hoàn cảnh được chăm sóc, giúp đỡ để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và phấn đấu đến năm 2015, 50% số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Với sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ từng bước giải quyết các vấn đề bảo vệ trẻ em phức tạp, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội lâu dài của Việt Nam.
(Nguồn: Nhân Dân Online)