Ninh Phước: Hỗ trợ nông dân phát triển trồng táo, nâng cao thu nhập

Trong những năm qua, huyện Ninh Phước tập trung vận động nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích cây táo, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho các hộ trên địa bàn.

Theo đánh giá của UBND huyện Ninh Phước, mặc dù táo không phải là cây trồng mới, có thời điểm người trồng phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả lên xuống thất thường. Tuy vậy, qua thực tế sản xuất, táo vẫn được xem là cây trồng thế mạnh trên địa bàn. Đồng chí Đàng Năng Tom, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Nghề trồng táo đang có sự phát triển mạnh ở một số xã trong huyện, đa số nông hộ đều nắm vững kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc, ưu điểm của cây trồng này phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai trên địa bàn. Toàn huyện hiện có khoảng 721 ha táo, sản lượng hằng năm đạt trên 28.400 tấn. Nhằm tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, ngoài việc xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng, huyện cũng tăng cường hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm táo sau khi thu hoạch.

Thu nhập ổn định từ cây táo, giúp gia đình bà Phạm Thị Chín có cuộc sống ổn định.

Xã Phước Hậu không chỉ được biết đến là vùng trọng điểm trồng lúa của huyện, tuy nhiên, trong những năm qua, cây táo dần xuất hiện và thay thế hiệu quả cho một số cây trồng kém năng suất, với diện tích hiện có gần 136 ha. Qua tìm hiểu ở một số hộ trồng táo tại địa phương, đa số đều nhận định, cây táo dễ trồng, chỉ đầu tư một lần và có thể thu nhập trong nhiều năm. Bà Phạm Thị Chín, ở thôn Trường Thọ, chia sẻ: Năng suất táo bình quân mỗi vụ đạt từ 2,5-3 tấn/sào, giá bán từ 8-10 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí hộ trồng thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, để tránh lãng phí đất, gia đình còn trồng xen canh rau màu dưới gốc táo, giúp tăng thêm thu nhập và hạn chế cỏ dại. Hoạt động tích cực của ngành chức năng, địa phương trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp hộ trồng táo giảm đáng kể thiệt hại trong sản xuất; trong đó, phải kể đến phương pháp trùm lưới bao quanh giàn táo đã được nông dân áp dụng đại trà, qua đó hạn chế hiện tượng rụng quả, tiết kiệm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường, từ nguồn kinh phí phát triển sản xuất thông qua các chương trình, dự án, huyện Ninh Phước hỗ trợ bà con canh tác theo quy trình VietGAP, mô hình được xem là hướng đi phù hợp trong việc “sạch hóa” mặt hàng nông sản, mở ra triển vọng mới trong sản xuất táo ở địa phương; nếu như ban đầu chỉ với 2,5 ha trồng thử nghiệm thì đến nay đã nhân rộng lên trên 30 ha. Anh Hồ Văn Thơm, ở thôn Ninh Quý 1, xã Phước Sơn, chia sẻ: Gia đình tôi có có 2,5 sào đất trồng táo theo mô hình VietGAP, mặc dù thực hiện theo quy trình này đòi hỏi nhiều công chăm sóc, ghi chép cụ thể đối với từng thời điểm bón phân, tưới nước. Tuy nhiên, táo sau khi thu hoạch được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, giá bán cũng cao hơn so với sản xuất thông thường nhờ vào chất lượng cao.

Hướng tới nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm táo, ngành Nông nghiệp huyện Ninh Phước xác định bên cạnh ổn định về quy mô sản xuất, thì tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân lựa chọn các giống táo mới có năng suất và chất lượng đưa vào canh tác, thay thế dần các giống cũ đã thoái hóa. Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân hướng tới mục tiêu sản xuất tập trung gắn áp dụng khoa học - kỹ thuật trên diện rộng, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần giảm nghèo bền vững.