Nhiều khó khăn, vùng nguyên liệu bị thu hẹp
Vụ mía đầu tư 2019-2020, ông Nguyễn Đức, thôn La Vang, xã Quảng Sơn đã bớt đi 3 ha trong số 5,5 ha diện tích đất canh tác mía lâu năm để chuyển sang trồng cây mỳ. Lý giải việc này, ông cho biết những năm gần đây cây mía đầu tư không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Lý do ông Đức đưa ra hoàn toàn có cơ sở, đó là: giá mía ngày càng xuống thấp; năng suất mía ngày càng giảm, nhiều nơi chỉ trên dưới 50 tấn/ha; chữ đường mía vùng Ninh Sơn đạt trung bình chỉ từ 8-9 chữ đường; có khu vực thậm chí chỉ đạt 6-7 chữ đường; phân, thuốc diệt cỏ, công chặt ngày càng cao. “Cụ thể như vụ thu mua mía năm 2018-2019 vừa qua của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang, với mức giá 700.000 đồng/tấn (mía 10 chữ đường), nếu mía nông dân chỉ đạt 8 chữ đường thì bán được với giá 560.000 đồng/tấn; trong khi đó công chặt mất thêm từ 180.000-220.000 đồng/tấn, chưa kể các khoản phụ khác. Như vậy, thực chất giá bán mía nguyên liệu của nông dân sau khi thu hoạch chỉ trên dưới 400.000 đồng/tấn” - ông Đức đặt phép tính so sánh. Không riêng gì hộ ông Đức, hàng trăm hộ trồng mía trên địa bàn xã Quảng Sơn đã bỏ mía chuyển sang trồng mỳ với tình cảnh tương tự. Theo thống kê của UBND xã Quảng Sơn, niên vụ mía năm nay toàn xã chỉ còn lại 1.050 ha, tiếp tục giảm hơn 500 ha so với vụ trước và giảm hơn 1.200 ha so với những năm trước đó.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, một trong những giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất cây mía.
Thu nhập từ trồng mía đang ngày càng đi xuống là nguyên nhân chính khiến người trồng rời bỏ loại cây này. Để giữ diện tích mía, bảo đảm vùng nguyên liệu cho công ty, thì chắc chắn doanh nghiệp phải tăng giá thu mua. Nhưng theo ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang, không riêng gì công ty ông, mà hiện nay các doanh nghiệp mía đường trên cả nước rất khó có thể chủ động tăng giá thu mua mía. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay và áp lực của ngành mía đường chuẩn bị gia nhập hiệp định ATIGA vào năm 2020. Cũng theo ông Thận, vụ đầu tư mía 2018-2019, công ty chỉ hợp đồng hơn 1.400 ha trên địa bàn tỉnh, trọng tâm vẫn là huyện Ninh Sơn, giảm hơn 40% diện tích so với vụ trước. Điều này cho thấy, vùng nguyên liệu mía đang ngày càng bị thu hẹp đáng kể.
Cần có sự gắn kết - chia sẻ, cùng tháo gỡ
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết, hiện nay việc tháo gỡ vướng mắc cho cây mía trên địa bàn huyện đang thật sự gặp khó khăn. Xu thế hiện nay là xây dựng những cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và chuyển đổi những vùng mía năng suất kém. Nhưng phương án chuyển đổi cây mía năng suất kém sang cây trồng khác đối với khu vực xã Quảng Sơn rất khó, vì phần lớn đất canh tác dựa vào nước trời. Nếu chuyển đổi người dân cũng sẽ chuyển sang trồng cây mỳ. Trong khi đó, việc xây dựng cánh đồng lớn và đưa cơ giới hóa vào sản xuất công ty đường phải là đơn vị chủ động hỗ trợ các giải pháp cho người dân. Tuy nhiên, thực tế đến nay vẫn chưa thực hiện được. Chủ trương của huyện luôn tích cực vận động nông dân từng bước áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, cũng như sẵn sàng hỗ trợ nhiều mặt để doanh nghiệp triển khai xây dựng cánh đồng lớn.
Liên quan đến vấn đề này, theo ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang, việc xây dựng cánh đồng lớn do nhiều yếu tố nên công ty chưa thể triển khai thành công dù đã có thí điểm. Nhưng xu hướng vẫn phải thực hiện mới giữ được ổn định vùng nguyên liệu. Cũng theo ông Thận, việc đưa cơ giới hóa vào canh tác cây mía hiện nay gặp khó khăn một phần do nông dân chưa thật sự mạnh dạn áp dụng theo khuyến khích của công ty. Không chỉ vụ mía 2019-2020, mà trước đó nhiều vụ, công ty đã từng bước đưa các loại máy móc hiện đại hỗ trợ nông dân, triển khai các mô hình tưới tiết kiệm, năng lượng mặt trời, để giảm một phần chi phí cho người trồng mía và đã có không ít hộ đang triển khai thuận lợi. Mới đây chúng tôi tiếp tục đưa vào hỗ trợ người trồng mía loại máy cày vòng ra kết hợp với bón phân trên cùng một diện tích canh tác, giúp nông dân giảm hơn 30% chi phí so với phương pháp truyền thống. Công ty rất quyết tâm cùng với chính quyền và nông dân tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cây mía, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho công ty hoạt động”.
Được biết, theo kế hoạch Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ ổn định lại vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh từ 2.000-2.500 ha, trọng tâm vẫn là huyện Ninh Sơn. Trong đó, hướng đến thực hiện cơ giới hóa các khâu canh tác đầu vào khoảng 75% diện tích và 5% diện tích thực hiện cơ giới hóa trong khâu thu hoạch.
Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, nhiều nông dân cũng thừa nhận họ chưa thật sự mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa vào canh tác cây mía. Một phần do tập quán canh tác truyền thống, nhưng để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất thì chính sách hỗ trợ của công ty chưa rõ ràng, chi phí tự đầu tư các loại máy móc hiện đại để canh tác không thấp, trong khi giá thu mua mía của công ty ngày càng đi xuống thì khó có nông dân nào mạnh dạn làm.
Trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, việc thay đổi phương thức canh tác mà trọng tâm là đưa cơ giới vào sản xuất, thay đổi loại giống mới và xây dựng những cánh đồng lớn để đảm bảo vùng nguyên liệu mía không bị thu hẹp là điều bắt buộc. Tuy nhiên, để làm được điều này, để nông dân và doanh nghiệp đều có lợi ích kinh tế thì rõ ràng cần một sự gắn kết và chia sẻ chặt chẽ hơn nữa. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ thêm từ các chính sách khuyến nông, vay vốn tín dụng ưu đãi mới thật sự gỡ được “nút thắt” cho cây mía trên vùng nguyên liệu Ninh Sơn.
Nguyễn Sơn