Cuộc sống người dân bị đảo lộn
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán ở khu vực Trung Bộ, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia là do các đợt nắng nóng liên tiếp diễn ra. Trong năm 2019, do ảnh hưởng của El Nino, nền nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng trong cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), lượng mưa thiếu hụt nhiều so với TBNN; số lượng cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam cũng ít hơn TBNN. Đặc biệt, ở khu vực Trung Bộ, lượng dòng chảy năm ở các sông thuộc suy giảm, ở mức thiếu hụt nhiều so với TBNN. Do đó, trong năm 2019 tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trở nên gay gắt hơn.
Bên cạnh đó, tổng lượng mưa từ đầu vụ hè thu 2019 đến nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ TBNN. Theo Tổng cục Thủy lợi, dung tích các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Trung Bộ hiện chỉ đạt trung bình từ 27-61% dung tích thiết kế, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2018 và 32% so với cùng kỳ năm 2017; dung tích các hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ trung bình cũng chỉ đạt từ 27-56% dung tích thiết kế.
Hiện nay, lượng nước tại các hồ chứa vẫn tiếp tục xuống thấp. Một số hồ chứa thủy điện thường xuyên bổ sung nước cho hạ du hiện có mức trữ thấp, không đảm bảo cung cấp cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, trong đó có Sông Tranh 2 (lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, bổ sung nước cho tỉnh Quảng Nam, Tp. Đà Nẵng) hiện đang dưới mực nước chết; hồ Ka Nak, sông Ba Hạ (lưu vực sông Ba, bổ sung nước cho tỉnh Bình Định và Phú Yên) đang xấp xỉ mực nước chết; hồ Đại Ninh, Hàm Thuận (lưu vực sông Lũy, La Ngà, bổ sung nước cho tỉnh Bình Thuận) hiện dung tích hữu ích còn 0,5% và 8,6% dung tích thiết kế, thấp hơn TBNN từ 12-23%.
Tình trạng hạn hán kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của bà con khu vực Trung Bộ.
Nắng nóng khiến nước bốc hơi nhanh, mỗi mét vuông đất ruộng có thể mất đi 5-7 mm mỗi ngày. Nhân con số này với hàng chục nghìn ha thì ước tính lượng nước bốc hơi lên tới hơn nửa triệu m3/ngày. Mất nước, cây cối và hoa màu không còn nguồn sống. Tại, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, hàng chục nghìn ha cây trồng có nguy cơ chết khô bởi thiếu hụt nước nghiêm trọng. Thống kê chưa đầy đủ, toàn vùng Trung Bộ hiện có khoảng 5.000 ha nông nghiệp (chủ yếu là lúa và hoa màu) bị hạn hán, thiếu nước. Nhiều diện tích đã bị khô cháy.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đây là đợt hạn hán chưa từng có tại Phú Yên cũng như một số tỉnh lân cận trong mấy mươi năm nay khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Đáng ngại những địa phương được xem là vựa lúa của tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề. Chính quyền đã chỉ đạo các địa phương tập trung mọi nguồn lực để chống hạn nhưng khó khăn là hiện nay rất nhiều nơi sông đã trơ đáy. Hiện tỉnh đang nỗ lực với các giải pháp chống hạn để cứu cây lúa và hoa màu.
Bên cạnh những thiệt hại về nông nghiệp, người dân tại các địa phương cũng đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Tại Hội An (Quảng Nam), tình trạng thiều nước cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển du lịch của địa phương. Chủ các cơ sở kinh doanh du lịch ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh cho biết nước khan hiếm khiến việc kinh doanh bị đình trệ. Nhiều cơ sở lưu trú phải tạm ngưng phục vụ.
Dự kiến, trong những ngày tới, bà con khu vực miền Trung sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng hạn hán. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng hạn hán sẽ còn gay gắt hơn và mở rộng thêm đến hết tháng 7 và nắng nóng sẽ còn kéo dài đến tháng 10-2019. Theo Tổng cục Thủy lợi, đến cuối mùa khô, sẽ có khoảng 52.180 ha diện tích nông nghiệp (chủ yếu là lúa và cây màu) bị hạn hán, thiếu nước.
Nỗ lực thực hiện các giải pháp chống hạn
Để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân, Tổng cục Thủy lợi đã tổ chức các đoàn công tác làm việc kiểm tra về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước tại một số địa phương trong khu vực như Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Nghệ An, Bình Thuận đồng thời có văn bản đôn đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh khu vực Trung Bộ, đề nghị tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, trong đó tập trung vào một số giải pháp chính là: Thường xuyên kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt trên địa bàn; khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; xây dựng kế hoạch cấp nước cụ thể cho từng vùng phục vụ của công trình thủy lợi; bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước, tránh việc mở rộng sản xuất vượt quá năng lực thiết kế công trình...
Trước tình hình nắng nóng có thể tiếp tục kéo dài, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tiến hành cơ cấu lại thời vụ, cơ cấu lại giống cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với diện tích lúa không thể cứu vãn được, bà con chuyển sang trồng lúa mùa, hoặc cây trồng khác như ngô, rau màu ngắn ngày. Các địa phương chủ động cung ứng hỗ trợ giống, kỹ thuật cho nông dân kịp thời chuyển đổi. Đối với các diện tích cây trồng vụ mùa 2019 chưa xuống giống, cần xem xét lùi thời vụ, những nơi không đủ nguồn nước cho hết vụ phải chuyển đổi sang cây trồng cạn hoặc dừng canh tác. Cùng với đó, trước tình hình nắng nóng gay gắt và dự báo còn kéo dài, các địa phương kiểm soát chặt chẽ độ mặn ở vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn trước khi lấy nước, tổ chức đóng, mở các cống ở các cửa sông hợp lý để giữ ngọt, ngăn mặn; tranh thủ tích trữ nước vào các các ao đầm, kênh tưới, kênh tiêu. mùa vụ.
Để phù hợp với tình hình nguồn nước, các địa phương đã chủ động điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất lúa vụ hè thu, mùa. Điển hình, khu vực Bắc Trung Bộ giảm so với năm 2018 khoảng 4.800 ha, so với năm 2017 là 10.700 ha; trong đó một số tỉnh có diện tích giảm lớn như Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Khu vực Nam Trung Bộ so với năm 2018 giảm khoảng 2.600 ha, so với năm 2017 giảm 7.000 ha; một số tỉnh có diện tích giảm lớn như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định.
Để đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, nhiều địa phương đã chỉ đạo các đơn vị thuỷ nông hỗ trợ máy bơm lưu động, bơm hút nước từ hồ đập, kênh dẫn đưa về chân ruộng phục vụ tưới dưỡng lúa cho bà con; đồng thời triển khai thực hiện nạo vét kênh dẫn và kênh trữ nước để dâng nước cho các trạm bơm hoạt động.
Trước đó, để chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ hè - thu 2019, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, ngập úng, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản số 535/TCTL-QLCT, ngày 22-4-2019 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ hè - thu 2019 khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; hướng dẫn, cảnh báo và hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng, bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ hè - thu 2019. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tiết nước các hồ chứa thủy điện hợp lý, bảo đảm ưu tiên nguồn nước cung cấp cho cả vụ hè- thu 2019...
Theo TTXVN