Là địa phương nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, giáp ranh với tỉnh Bình Thuận đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, khả năng dịch có thể lây lan vào tỉnh ta thông qua hoạt động buôn bán, vận chuyển, nên vấn đề chủ động tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh được huyện lên kế hoạch ứng phó cụ thể. Giải pháp trọng tâm huyện xác định là tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các hộ chăn nuôi để người dân nắm bắt và nhận thức đầy đủ về dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, nhằm hạn nguy cơ dịch xâm nhiễm vào tỉnh, công tác kiểm dịch đối với phương tiện vận chuyển động vật lưu thông qua địa bàn cũng được siết chặt. Theo đó, huyện lập 1 chốt kiểm dịch động vật tại xã Cà Ná, cử cán bộ thú y túc trực 24/24, kiểm tra xe vận chuyển gia súc và các sản phẩm đông lạnh từ động vật; đặc biệt là sản phẩm từ lợn. Tiến hành kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch, tình trạng sức khỏe của động vật, thực trạng vệ sinh thú y của sản phẩm động vật và phun thuốc khử trùng, tiêu độc phương tiện trước khi đi qua địa bàn.
Người dân xã Phước Ninh (Thuận Nam) chủ động phun hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi lợn.
Qua thống kê, toàn huyện hiện có trên 1.300 con heo, hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn chủ yếu tập trung ở các hộ gia đình thuộc các xã Phước Ninh, Phước Hà... Nhìn chung, các hộ nuôi đều có ý thức tốt trong việc chăm sóc cũng như thực hiện việc phun thuốc khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của Trạm Thú y huyện. Anh Đàng Năng Hòa ở thôn Hiếu Thiện, xã Phước Ninh, cho biết: Gia đình hiện nuôi 30 con heo thịt, với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, tôi và các hộ nuôi lân cận chú trọng hơn khâu vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm phòng đầy đủ, nên đàn heo phát triển bình thường, không có dấu hiệu của dịch bệnh. Tính đến thời điểm hiện nay, Trạm Thú y huyện đã tổ chức 3 đợt phun xịt hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi gia súc tại 8 xã, cấp phát hơn 1.700 lít hóa chất benkocit khử trùng chuồng trại cho trên 230 hộ nuôi tại địa phương.
Ông Trượng Ngọc, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thuận Nam, cho biết: Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng ngừa, nên huyện xác định phòng bệnh là chính. Ngoài việc kết hợp với lực lượng công an giao thông tỉnh tổ chức ca trực giám sát các phương tiện vận chuyển, cán bộ của Trạm cũng thường xuyên xuống cơ sở theo dõi tình trạng sức khỏe đàn heo của hộ nuôi, lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức tập huấn, vận động người dân khi phát hiện heo chết bất thường, không được che giấu, tự xử lý mà báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý.
Hồng Lâm