Thuận Bắc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với triển khai các mô hình sản xuất có hiệu quả

Sản xuất nông nghiệp ở huyện Thuận Bắc luôn đối diện với những khó khăn thiếu nước tưới, vụ mùa và vụ hè - thu hằng năm một số vùng hưởng lợi hồ Sông Trâu và hồ Bà Râu phải ngưng sản xuất. Để nông nghiệp phát triển bền vững, chủ trương nhất quán của huyện là đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng cạn ở những khu vực thường xuyên bị hạn hán. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã chuyển cây trồng với diện tích 355,4 ha; trong đó, vụ đông - xuân 2018 - 2019 là 93,4 ha.

Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cho hay: Đạt được kết quả, đó là nhờ Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi cụ thể cho từng mùa vụ, giao chỉ tiêu để các xã tổ chức thực hiện. Tuân thủ phương châm “cán bộ, đảng viên đi trước” làm gương cho nhân dân noi theo, công tác chuyển đổi cây trồng nhờ đó có nhiều chuyển biến tích cực, bắt đầu chỉ được triển khai thí điểm ở một số xã đồng bằng như Công Hải, Lợi Hải, sau đó lan rộng ra các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn. Cũng như nhiều địa phương khác, quá trình thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn, Thuận Bắc gặp khó khăn do xuất phát sản xuất nông nghiệp từ tập quán nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực gắn kết với thị trường. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong thực hiện chương trình, Thuận Bắc đã biến cái “không thể” thành “có thể”. Ít ai nghĩ rằng, trên những vùng đất khô hạn ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn lại hình thành được vùng trồng măng tây xanh tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao.

Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) được hỗ trợ giống sản xuất măng tây xanh có hiệu quả. Ảnh: Anh Tùng

Nhìn lại công tác chuyển đổi cây trồng ở Thuận Bắc để thấy, huyện chú trọng làm tốt công tác hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 18-8-2017 của UBND tỉnh; trong đó, chú trọng hỗ trợ giống mới kịp thời để nông dân sản xuất đúng theo khung lịch thời vụ. Chỉ tính riêng vụ đông - xuân 2018-2019, huyện đã hỗ trợ hàng chục tấn giống cho bà con triển khai xây dựng 3 cánh đồng lớn ở xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Phong,với tổng diện tích 232 ha. Các hộ đồng bào dân tộc Raglai ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn cũng được hỗ trợ giống triển khai mô hình trồng măng tây xanh theo quy trình VietGAP. Với những nỗ lực trong thực hiện chuyển đổi cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đã góp phần đưa nông nghiệp huyện Thuận Bắc có bước phát triển khá, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 24%/năm.

Nông dân xã Lợi Hải chăm sóc cây đậu xanh. Ảnh: Phan Bình

Có thể nói, công tác chuyển đổi cây trồng ở huyện Thuận Bắc bước đầu thu được những kết quả nhất định. Trước đây, nông dân ở xã Lợi Hải sản xuất lúa chỉ lãi 2,5 triệu đồng/sào/vụ, nhưng từ khi chuyển sang trồng măng tây xanh thu nhập tăng lên 13 triệu đồng/sào/tháng. Hiệu quả từ cây trồng cạn mang lại đã rõ, tuy vậy không phải xã nào trên địa bàn huyện cũng thực hiện được. Đơn cử, vùng quy hoạch chuyển đổi 200 ha ở Trạm bơm Xóm Bằng (xã Bắc Sơn) thiếu tính bền vững. Khu vục này bị ảnh hưởng nghiêm trọng của các đợt hạn hán, nhiều diện tích đất phải ngưng sản xuất do thiếu nước. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng Trạm bơm Xóm Bằng và hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt về tới khu vực. Đầu mùa hạn năm 2016, công trình đã phát huy tác dụng rõ nét, nông dân tổ chức trồng đậu xanh cho thu nhập khá cao. Tuy nhiên, việc duy trì sản xuất cây trồng cạn ở khu vực này đang gặp khó, mà nguyên nhân chính là do nông dân chưa từ bỏ được tập quán sản xuất lúa nước.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn, giải pháp huyện Thuận Bắc đưa ra là tăng cường chỉ đạo, bố trí cán bộ phụ trách địa bàn đôn đốc, nhắc nhở bà con tuân thủ kế hoạch sản xuất ở vùng quy hoạch chuyển đổi. Kêu gọi các doanh nghiệp như Công ty TNHH măng tây xanh Linh Đan Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam mở rộng các hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo lợi ích cho những nông hộ tham gia các mô hình chuyển đổi cây trồng.