Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông, lâm, thủy sản là xu thế tập yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế nông nghiệp ngày càng sâu sắc như hiện nay. Trong đó, HTX được xác định là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết gữa “4 nhà”. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: Tính liên kết trong sản xuất ở thời gian qua có bước tiến triển tốt. Hiện nay, toàn tỉnh có 64 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, 14 HTX triển khai thực hiện 20 chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, như: lúa, bắp, măng tây xanh, dê, cừu. Có sự phát triển tích cực này, là nhờ HTX được hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; áp dụng sản xuất an toàn thực phẩm để nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ, xã Phước Hậu (Ninh Phước) liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị. Ảnh: A.T
Tuy vậy, theo đánh giá chung, hoạt động liên kết vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, chưa khai thác triệt để tiềm năng trong chuỗi giá trị. Những hạn chế như ý thức của nông dân với việc liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, HTX và nông dân chưa hiểu được tầm quan trọng khi tham gia thực hiện ký kết sản xuất hàng hóa đang cản trở sự phát triển, cần sớm khắc phục.
Chỉ ra nguyên nhân các HTX chưa đảm nhiệm tốt vai trò trong liên kết sản xuất, đồng chí Phan Quang Thựu cho rằng, năng lực nội tại của các HTX hiện nay còn yếu, thể hiện ở vốn điều lệ thấp, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng; trong khi đó, khả năng huy động vốn thành viên hạn chế, chưa tuân thủ quy định của Luật HTX kiểu mới. Khi tham gia vào liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, một số HTX còn lúng túng trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, chứng nhận sản xuất an toàn theo chuẩn VietGAP, ứng dụng “Tem điện tử thông minh” truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Hoạt động sản xuất ớt bột chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước
và xuất khẩu của HTX Tầm Ngân, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn).
Trước những đòi hỏi của thực tế sản xuất, ngành NN&PTNT đề ra giải pháp trọng tâm để tạo liên kết bền vững là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về tầm quan trọng trong việc phát triển các chuỗi giá trị. Xây dựng HTX đáp ứng vai trò tập hợp nông dân, đại diện nông dân liên kết với doanh nghiệp thông qua thực hiện đề án Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế HTX nông nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý HTX đủ mạnh về năng lực, tâm huyết với công việc, có trách nhiệm với tập thể.
Để giúp các HTX hoạt động có hiệu quả, làm tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng các chuỗi giá trị, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ HTX liên kết theo Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 11-2-2019 của UBND tỉnh. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hình thành các hình thức liên kết, thông qua hợp đồng theo chuỗi giá trị sản xuất giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, ngành NN&PTNT, các địa phương đã vào cuộc với quyết tâm cao trong hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị. Vấn đề còn lại là, các HTX phải nỗ lực hơn nữa trong đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng được “chỉ số niềm tin” để các tổ chức tín dụng mạnh dạn “bơm vốn” mở rộng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Anh Tùng